Cảnh báo lừa đảo quyên góp ủng hộ người dân vùng lũ qua mạng

GD&TĐ - Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), giả mạo quyên góp ủng hộ người dân vùng lũ là một trong các phương thức lừa đảo trực tuyến tuần qua.

Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.

Lừa đảo quyên góp giúp dân vùng lũ

Những ngày qua, bão số 3 (Yagi) gây mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên diện rộng tại các tỉnh miền Bắc.

Lợi dụng tình hình đó, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức từ thiện uy tín kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt số tiền của người dân ủng hộ đồng bào gặp thiên tai.

1.jpeg
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.

Nhiều đối tượng giả mạo cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức uy tín đưa ra các thông tin sai lệch về tình hình bão lũ tại các tỉnh miền Bắc, từ đó kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt. Thậm chí, kẻ xấu còn phát tán thông tin giả mạo, tin tức sai sự thật trên các trang mạng xã hội về tình hình lũ lụt.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân trước khi ủng hộ cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp. Nếu muốn chia sẻ với những khó khăn của đồng bào trong vùng thiên tai thì nên quyên góp, ủng hộ tại các đơn vị có uy tín, minh bạch, đảm bảo sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa.

Mạo danh bệnh viện lớn để lừa đảo

2.jpeg
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) phát hiện thêm 1 trang fanpage giả mạo tự xưng là bác sĩ Trưởng khoa, đang công tác tại khoa Tạo hình thẩm mỹ bệnh viện Chợ Rẫy, có tên “PGS TS BS Văn Thanh - Chuyên Khoa Thẩm Mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy”.

Đáng lưu ý, hình nền của trang giả mạo này còn sử dụng hình ảnh tập thể khoa Nội soi Bệnh viện Chợ Rẫy để cắt ghép, đưa hình bác sĩ giả mạo vào nhằm mục đích tạo lòng tin với các khách hàng, gây nên sự bức xúc không nhỏ cho các bác sĩ có mặt trong ảnh gốc.

Đối với hình thức trên, đối tượng sẽ cung cấp hình ảnh các chứng chỉ, bằng cấp giả mạo hoặc chỉnh sửa hình ảnh để làm giả danh tính bác sĩ. Sau khi xây dựng lòng tin với người theo dõi, chúng sẽ mời chào dịch vụ khám chữa bệnh trực tuyến với mức giá thấp. Sau khi nhận được tiền cọc hoặc thanh toán dịch vụ, đối tượng sẽ biến mất.

Vì vậy, trước khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, người dân cần kiểm tra kỹ thông tin về bác sĩ và cơ sở y tế. Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh nên đến các cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn. Chỉ nên sử dụng các nền tảng khám chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.

Tham gia nhóm tài chính bị "bốc hơi" tiền tỷ

3.jpeg
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.

Công an TP Hà Nội vừa tiếp nhận đơn trình báo từ chị V. (SN 1974, trú tại quận Nam Từ Liêm) về việc bị lừa đảo 2,3 tỷ đồng sau khi tham gia nhóm “Tài chính thời đại” và đầu tư tiền ảo qua sàn Bitforex.com.

Đối với chiêu trò trên, các đối tượng thường lập ra các sàn chứng khoán, đầu tiền ảo giả mạo hoặc không được cấp phép hoạt động. Thậm chí, đối tượng còn giả danh là chuyên gia tài chính, chuyên viên chứng khoán hoặc đại diện của các công ty môi giới uy tín.

Tiếp đó, chúng mời nạn nhân vào các nhóm đầu tư trên mạng xã hội và tham gia vào sàn mà chúng tạo ra. Ban đầu, đối tượng quảng cáo sàn giao dịch của mình với lời hứa lãi suất cao, thậm chí đưa ra các bằng chứng giả mạo về lợi nhuận từ các nhà đầu tư trước đó.

Sau khi thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư và nhận tiền, sàn giao dịch ảo sẽ đóng cửa hoặc biến mất, khiến nhà đầu tư mất sạch số tiền đã đầu tư.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website hay ứng dụng đầu tư tiền ảo. Chỉ nên giao dịch trên các sàn được cấp phép bởi cơ quan chức năng. Không chia sẻ thông tin cá nhân cho bất kỳ ai dưới mọi hình thức. Không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Lừa xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc

4.jpeg
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin.

Mới đây, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) vừa phát đi cảnh báo về thông tin giả mạo, lừa đảo người lao động đi Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS.

Theo đó, các đối tượng thường mạo danh các công ty môi giới lao động hợp pháp bằng cách tạo website giả mạo hoặc cung cấp giấy tờ giả. Thậm chí còn tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ tại các địa phương, hứa hẹn việc làm tại nước ngoài với mức thu nhập cao và điều kiện lao động tốt, chi phí xuất khẩu lao động thấp.

Tiếp đó, đối tượng yêu cầu người lao động nộp một khoản tiền lớn để làm thủ tục hoặc chi phí đầu vào trước khi ký hợp đồng chính thức. Người lao động sau khi nộp tiền môi giới, chi phí hồ sơ sẽ không thể liên lạc lại với đối tượng lừa đảo hoặc được đưa sang nước ngoài với công việc, thu nhập khác xa so với lời hứa ban đầu.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người lao động nên tìm hiểu kỹ về các chương trình xuất khẩu lao động qua các nguồn chính thống. Tuyệt đối không tin vào các quảng cáo hay lời mời hứa hẹn hấp dẫn nhưng thiếu cơ sở pháp lý. Chỉ nên tham gia các chương trình xuất khẩu lao động thông qua các công ty được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.