Cảnh báo bệnh dại từ vật nuôi

GD&TĐ - Theo chủ trương của UBND TPHCM, kể từ ngày 15-9-2017, người dân hạn chế thả rong chó ra ngoài đường và Chi cục thú y TPHCM sẽ thu gom chó thả rong, xử phạt hành chính chủ nuôi nếu chưa tiêm chủng ngừa cho vật nuôi. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BS CK1 Đinh Văn Thời - Trưởng phòng khám Viện Pasteur TPHCM về nguy cơ và cách phòng tránh bệnh dại từ vật nuôi.

Cảnh báo bệnh dại từ vật nuôi

PV: Xin bác sĩ cho biếtđặc điểm chính của bệnh dại? Đâu là những tác nhân gây bệnh?

- BS.CK 1 Đinh Văn Thời: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền từ động vật máu nóng sang người qua vết thương cào, cắn,… Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, thường gặp ở các tỉnh miền núi do thói quen thả rong và ít tiêm ngừa cho con vật, với nguồn truyền bệnh chính là chó.

Bệnh dại rất nguy hiểm vì khi phát bệnh hầu như 100% bệnh nhân tử vong, nhưng bệnh có thể phòng ngừa khá hiệu quả bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào vị trí vết cắn, tình trạng nặng nhẹ của vết thương. Vết cắn càng gần thần kinh trung ương và nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn thường từ 1 đến 3 tháng.

@ Những triệu chứng ở người khi bị dại do vật nuôi cắn? Cách xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn?

- Biểu hiện bệnh dại ở người diễn ra qua 3 giai đoạn: Thời kỳ ủ bệnh, thông thường từ 01 -03 tháng sau phơi nhiễm và thường không có triệu chứng gì của bệnh dại. Thời kỳ khởi phát với các biểu hiện như thay đổi tính tình, hồi hộp, lo lắng, dễ bị kích thích, mất ngủ, bứt rứt hoặc trầm cảm; mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, sốt, đau cơ; ngứa hay dị cảm tại vết cắn, mặc dù đã lành.

Thời kỳ toàn phát biểu hiện dưới hai thể, thể hung dữ thường gặp nhất với biểu hiện sợ nước. Hầu hết bệnh nhân đều có biểu hiện này, tình trạng sợ nước có thể xảy ra khi bệnh nhân thử uống nước, nghe thấy tiếng nước chảy, thậm chí chỉ cần nghe nói đến nước là cũng đủ lên cơn, đột ngột dữ dội, cổ và vai ưỡn ra, cánh tay vùng vẫy lên cao có thể trở thành cơn giật toàn thân, ngưng tim, ngưng thở; sợ gió, sợ ánh sáng, hoặc ngửi thấy mùi lạ là có thể lên cơn co thắt ngay; ảo giác, mất định hướng, chạy trốn hay gây hấn, vùng vẫy cắn xé từng lúc, hú lên như chó, sủa, thở dồn dập, đứt hơi; sốt cao 40oC, đồng tử giãn không đều, sùi bọt mép, chảy nước mắt, vã mồ hôi…

Giữa các cơn, bệnh nhân có thể tỉnh táo, hợp tác tốt, nhưng bệnh tiến triển nhanh chóng đến hôn mê hoặc ngưng tim, ngưng thở, bệnh nhân tử vong trong vòng 2 đến 4 ngày sau khi lên cơn dại.

Thể bại liệt chiếm 20% các trường hợp, thường gặp trên bệnh nhân đã được tiêm ngừa vắc xin sau khi bị súc vật dại cắn nhưng không hiệu quả như tiêm trễ, tiêm không đủ liều, tiêm không đúng cách…

Lúc đầu có thể dị cảm ngay vết cắn, đau cột sống, đau chi bị cắn. Tình trạng liệt tiến triển lan tỏa lên chi trên, bí tiểu tiện, sau đó liệt cả cơ cổ, cơ mặt, lưỡi gây sặc, liệt các cơ hô hấp, tử vong chậm hơn kéo dài từ 02-20 ngày.

Cách xử lý vết thương khi bị chó mèo cắn : Rửa vết thương nhiều lần với xà bông đặc (hoặc các chất tẩy giặt khác) và xịt vòi nước vào vết cắn ít nhất 5 phút, lấy bỏ dị vật, mô dập nát nếu có. Sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70o , Iode, không khâu kín da hoặc băng ép quá kín.

Dùng kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng vết cắn, và tiêm ngừa uốn ván nếu cần. Vắc xin phòng dại thường theo 2 phác đồ. Phác đồ tiêm bắp (IM) với 5 liều tiêm.

Phác đồ tiêm trong da (ID) tiêm 4 lần. Huyết thanh kháng dại SAR dùng theo chỉ định của Bác sĩ nếu cần với liều sử dụng 1ml/5kg cân nặng của người bị chó mèo cắn. SAR thường tiêm phong bế ngay tại vết thương, rửa vết thương và tiêm bắp.

@ Cách điều trị BN khi bị động vật dại cắn? Tại sao có người bị vật nuôi cắn thì không sao nhưng có người lại bị nguy hiểm đến tính mạng?

- Khi bị động vật dại cắn, người bị cắn cần xử lý vết thương ngay tại chỗ như rửa và sát trùng, theo dõi con vật trong 10 ngày, nếu con vật chết hay có biểu hiện bất thường, cần báo ngay cho cơ quan y tế. Đến ngay các điểm tiêm phòng dại để được khám và điều trị dự phòng, tuyệt đối không điều trị bằng thuốc Nam.

Vật nuôi như chó, mèo có thể được tiêm phòng dại hoặc không, tuy nhiên dù con vật có tiêm phòng dại cũng không đảm bảo nó hoàn toàn không mắc bệnh dại. Vì vậy khi bị vật nuôi như chó, mèo cắn, nếu vật nuôi có mang mầm bệnh virus dại thì người bị cắn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó khi bị vật nuôi cắn, cần xử lý vết thương đúng cách và đến khám bác sĩ để được tư vấn theo dõi con vật và tiêm ngừa dại đúng cách.

Một số người cho rằng, con vật nhà mình nuôi nhiều năm qua nên nghĩ sẽ không bị dại. Một số trường hợp nghĩ rằng vết thương nhẹ chỉ trầy da, chảy máu ít và tự hết. Dự định đi khám bác sĩ để tiêm phòng nhưng do công việc gia đình lại quên. Đặc biệt một số trường hợp nghĩ rằng đi đắp thuốc Nam, lấy nọc độc và uống thuốc Nam là đủ.

Chúng ta biết rằng virus dại lây truyền từ động vật sang người qua vết thương trầy xước da hay niêm mạc do chó, mèo cắn, Bệnh dại hiện nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị, khi phát bệnh tỉ lệ tử vong là 100%.

Tuy nhiên bệnh dại có thể được phòng ngừa bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Vì vậy, khi bị vật nuôi như chó, mèo cắn, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở tiêm chủng gần nhất để được khám, tư vấn và xử trí kịp thời.

@ Tại sao lại phải chích ngừa chó, mèo khi nuôi? Tại sao gần đây TPHCM lại có chủ trương hạn chế thả rong vật nuôi ra đường và nếu thả thì phải có rọ mõm?

- Bệnh dại ở vật nuôi như chó, mèo cũng có đặc điểm tương tự ở người, đó là không có thuốc đặc trị khi bệnh khởi phát mà chỉ có vắc xin phòng ngừa. Do đó tiêm phòng dại cho vật nuôi là cách tốt nhất để hạn chế rủi ro lây truyền bệnh dại từ vật nuôi sang người khi bị cắn.

Hạn chế thả rong vật nuôi và nếu thả phải rọ mõm là qui định đã có từ trước đến nay chứ không phải bây giờ mới có, vì khi con vật thả rong và không rọ mõm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người điều khiển giao thông và cào cắn người lạ.

Mặc dù được tuyên truyền rộng rãi và có vắc xin phòng ngừa nhưng hằng năm theo ghi nhận vẫn còn những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh dại và tử vong.

Theo ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có 56 trường hợp tử vong do bệnh dại (giảm 2 trường hợp so với 6 tháng đầu năm 2016), trong đó TPHCM có 1 trường hợp.

Hiện tại Viện Pasteur đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức báo đài nhằm: Tuyên truyền tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm cho người và vật nuôi, để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.

Phối hợp với cán bộ thú y hướng dẫn người dân, tổ chức kinh doanh, nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển chó, mèo thực hiện cam kết 5 không : Không nuôi chó, mèo chưa qua tiêm phòng dại. Không nuôi chó, mèo không khai báo với chính quyền địa phương. Không nuôi chó thả rong. Không để chó cắn người. Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

Tiêm vắc xin dự phòng cho người có nguy cơ cao như nhân viên thú y, nhân viên phòng xét nghiệm làm việc với virus dại,…Tuyên truyền, vận động người dân đến khám và tư vấn tiêm ngừa vắc xin dại khi bị chó, mèo cắn, vì đây là biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả duy nhất đối với bệnh dại khi phơi nhiễm.

Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, theo dõi, chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá công tác phòng chống bệnh dại trên người tại các đơn vị thuộc khu vực 20 tỉnh thành phía Nam. Phối hợp và chia sẻ thông tin giám sát bệnh dại trên người với các cơ quan thú y theo qui định.

Kế hoạch sắp tới của Viện là tiếp tục các nhiệm vụ đang thực hiện và quan trọng hơn nữa là tổ chức các buổi thảo luận chuyên đề về bệnh dại, cách phòng chống cho nhân viên y tế, cũng như người dân những vùng có nguy cơ cao ngay tại nơi họ sinh sống. Giám sát chặt chẽ những trường hợp dại (nếu có) để có phương pháp phòng chống kịp thời

@ Đối với trường học, trẻ em thì việc phòng và trị bệnh dại cần được thực hiện như thế nào để đảm bảo sức khỏe cho người dân và cộng đồng?

- Chúng ta biết rằng, phần đông trẻ em thường rất thích các con vật nuôi như chó, mèo. Các bé thường chơi, đùa, thậm chí là cả ôm chúng trong lòng. Một điều cần đáng quan tâm là nếu bị chó, mèo cào, cắn, một số bé thường giấu, không dám nói với cha mẹ.

Do đó việc tiêm phòng dại cho vật nuôi như chó, mèo đối với những gia đình có các trẻ nhỏ luôn phải được thực hiện đúng lịch trình. Bên cạnh đó, nhà trường (có bộ phận y tế cơ quan) phải thường xuyên tuyên truyền những nguy hiểm và cách phòng chống bệnh dại cho các em học sinh kể cả giáo viên, lồng ghép trong các buổi giao ban, chào cờ, họp phụ huynh,… để đem đến những thông tin quan trọng giúp các bé cũng như phụ huynh biết tầm quan trọng cũng như cách phòng chống bệnh dại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ