Vì sao thiếu vaccine phòng bệnh dại trên người?

 Những năm qua, thiếu vaccine phòng bệnh dại trên người luôn xảy ra tại một số tỉnh miền Tây, năm nay khoảng thời gian thiếu hụt được cho là nhiều nhất.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vaccine phòng bệnh dại không nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng miễn phí nên người dân nếu có nhu cầu, phải tìm đến các cơ sở vaccine dịch vụ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều người dân ở Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang… sau khi bị chó cắn, đến nhiều cơ sở tiêm dịch vụ, vẫn không có vaccine dại. Tình trạng này cũng xảy ra tại tuyến huyện ở nhiều tỉnh, thành phố khác.

Ông Nguyễn Văn Đọc, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau cho biết: “Vaccine dại tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Cà Mau không thiếu. Nếu có thiếu thì thiếu tại các cơ sở tiêm dịch vụ tuyến huyện thôi. Có thể tại tuyến huyện, nhu cầu tăng đột biến mà cơ sở dự trù, hợp đồng mua ít. Dù tuyến dưới thiếu nhưng một khi người dân đã lên tới Trung tâm y tế dự phòng tỉnh thì không thiếu”.

Theo tìm hiểu của phóng viên hiện có 2 loại vaccine phòng bệnh dại được sử dụng tại Việt Nam, với hạn sử dụng 3 năm. Tuy nhiên, nguồn cung vaccine Verorab sản xuất từ Pháp đang giảm. Cũng chính vì nguồn vaccine của Pháp ít nên loại vaccine còn lại là Abhayrab của Ấn Độ đang chiếm tới 2/3 thị phần.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Giám đốc phụ trách chuyên môn về vaccine, Tập đoàn AMV khẳng định đã cung cấp đủ lượng vaccine dại của Ấn Độ cho cơ sở dịch vụ theo hợp đồng. Tuy nhiên, vaccine dại có đặc thù là thường chỉ tiêm sau khi bị chó, mèo cắn nên các cơ sở khó có thể dự trù chính xác nhu cầu tiêm.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải khẳng định: “Nhu cầu vaccin dại rất ổn định. Nếu chúng tôi biết được rằng các nhà cung cấp vaccine khác thiếu vaccine dại thì chỉ trong 6 tháng là chúng tôi có vaccine để bù đắp vào khoảng thiếu hụt đó cho các tỉnh thành.

Vấn đề ở đây là vướng cơ chế đấu thầu, Mặc dù đây là dịch vụ người dân bỏ tiền mua nhưng vẫn phải tham gia cơ chế đấu thầu. Nhiều khi, tôi có hàng nhưng đơn vị cần lại hết số lượng trong kế hoạch thầu rồi. Muốn có thêm vaccine thì phải đi xin cơ chế áp thầu rất lằng nhằng".

Vậy vì sao tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có tỷ lệ người bị chó, mèo cắn và nhu cầu tiêm nhiều nhất cả nước lại không thiếu vaccine dại?

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải cho biết thêm: “Các tỉnh miền Bắc có kinh nghiệm lâu rồi. Họ linh hoạt hơn trong cơ chế mua vaccine. UBND nhiều tỉnh đã cấp một khoản kinh phí mua vaccine dại dự trữ, họ không phải ứng một khoản tiền nào cả, như tỉnh Hòa Bình họ đăng ký và chúng tôi dự trữ trong kho lạnh cho họ. Khi họ cần là chúng tôi chuyển đến. Còn các tỉnh miền Tây hơi cứng nhắc, chưa uyển chuyển nên chưa điều phối đủ vaccine”.

Như vậy thiếu vaccine dại là do cơ chế của các tỉnh thành chưa linh hoạt và việc vaccine dịch vụ phải qua đấu thầu trong bối cảnh nguồn cung của loại vaccine dại sản xuất từ Pháp đang khan hiếm.

Thực tế cũng cho thấy, một số địa phương đã dành ra một khoản ngân sách để tiêm miễn phí vaccine dại nếu người dân bị chó mèo cắn nên vừa chủ động trong việc cứu người, vừa không phải chờ đợi đấu thầu vaccine.

Tiến sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng đây là điều mà các tỉnh nên làm khi hiện nay tất cả những trường hợp tử vong vì bệnh dại đều do không tiêm phòng và chỉ có khoảng 1/3 số người bị động vật cắn đi tiêm phòng bệnh dại.

“Một trong những giải pháp hữu hiệu là tăng cường tiếp cận vaccine bằng cách thiết lập mới hoặc mở rộng các điểm tiêm. Cần đảm bảo một huyện phải có 1 điểm tiêm. Đối với những vùng có nguy cơ cao thì nghiên cứu các phương án, báo cáo UBND tỉnh, thành lập các điểm tiêm phòng dại tại tuyến xã hoặc cụm xã để tăng tỷ lệ tiêm phòng sau phơi nhiễm. Đề nghị UBND các tỉnh hỗ trợ kinh phí mua vaccine cho các đối tượng đặc biệt như đối tượng nghèo ở các vùng khó khăn”.

Trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 100 người tử vong vì bệnh dại. Tình trạng thiếu vaccine phòng bệnh này đang đe dọa tính mạng của người dân và ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu không còn bệnh dại vào năm 2030.

Thời gian qua, trước nguy cơ tử vong vì bệnh dại có thể xảy ra, nhiều người đã phải vượt hàng trăm cây số sang tỉnh khác để tiêm vaccine.

Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả, cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chưa quyết liệt trong việc thanh toán bệnh dại trên đàn chó, mèo, mặc dù đã có vaccine phòng bệnh dại cho những động vật trung gian truyền bệnh cho con người.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.