Canh bạc mở cửa du lịch

GD&TĐ - Hiện, một số nước Đông Nam Á cũng lên kế hoạch thí điểm mở cửa du lịch quốc tế tại các hòn đảo như Phú Quốc của Việt Nam hay Bali của Indonesia.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Giữa lúc biến chủng Delta đang hoành hành tại Đông Nam Á gây ra đợt lây nhiễm tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch Covid-19, hòn đảo du lịch Phuket của Thái Lan vẫn đi tiên phong tái mở cửa với du khách quốc tế, tạo ra một mô hình thực tế để các nước cùng tham khảo đưa ra quyết định.

Không chỉ các nước Đông Nam Á mà nhiều nước châu Á cũng đang rất quan tâm đến quyết định mở cửa Phuket hôm 1/7, vì chính phủ Thái Lan vẫn theo đuổi kế hoạch bất chấp số ca lây nhiễm đang tăng nhanh kỷ lục. Đây có thể được coi là cuộc thử nghiệm táo bạo cho ngành du lịch của cả khu vực vốn đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Thành công hay thất bại của cuộc thử nghiệm mở cửa Phuket sẽ có tác động lớn đến lộ trình giải cứu ngành du lịch của Đông Nam Á. Sau nhiều tháng vắng bóng, hơn 250 du khách quốc tế đầu tiên đã đổ bộ hòn đảo du lịch của Thái Lan để bắt đầu kỳ nghỉ dưỡng như bình thường của mình mà không cần phải cách ly y tế.

Những du khách nước ngoài đều được tiêm đủ hai liều vắc-xin và có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 này đã đánh dấu sự khởi động của lộ trình để Thái Lan mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế vào giữa tháng 10/2021. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất và cũng nằm trong dự tính vẫn xảy ra. Tính đến ngày 12/7, trong tổng số khoảng 3.500 du khách nước ngoài đến Phuket từ ngày 1/7 đã có ít nhất 3 người dương tính với Covid-19.

Chính quyền địa phương lập tức lên tiếng trấn an người dân bình tĩnh và tiếp tục chương trình mở cửa như bình thường, do số ca mắc này vẫn nằm trong giới hạn cho phép mà họ đặt ra từ trước. Trong bối cảnh vắc-xin không thể ngăn chặn 100% virus và các biến chủng lây lan dễ dàng thì việc có du khách bị dương tính là điều không thể tránh khỏi.

Các chuyên gia y tế cũng từng nhận định việc đẩy lùi hoàn toàn virus là điều không tưởng, trong khi đó cuộc cầm cự để tồn tại của ngành du lịch cũng như của nền kinh tế nói chung lại chỉ có giới hạn. Do đó, Thái Lan vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế. Từ ngày 15/7, nước này tiếp tục cho nhóm 3 hòn đảo du lịch khác là Koh Samui, Koh Phangan và Koh Tao tiếp bước Phuket đón khách quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin”.

Điểm giống nhau trong giai đoạn đầu mở cửa du lịch quốc tế của Thái Lan là đều thí điểm trên các hòn đảo, vốn cách ly một cách tự nhiên với khu vực đất liền đông dân. Địa bàn hải đảo cũng giúp chính quyền dễ dàng tổ chức tiêm chủng người dân trên đảo đạt tới ngưỡng miễn dịch cộng đồng là trên 70% dân số để chuẩn bị đón khách. Nếu xảy ra lây lan dịch từ du khách thì chính quyền cũng có thể dễ dàng phong tỏa cả đảo để dập dịch.

Ngoài điều kiện tự nhiên nói trên, một chốt chặn an toàn khác là các đảo đón khách quốc tế của Thái Lan sẽ đóng cửa ngay lập tức nếu phát hiện từ 20 ca nhiễm trở lên không rõ nguồn lây trong vòng một tuần. Chiếu theo kịch bản này thì tình hình tại Phuket kể từ khi mở cửa vào đầu tháng 7 vẫn an toàn. Do đó, lộ trình mở cửa du lịch của Thái Lan sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.

Hiện, một số nước Đông Nam Á khác cũng lên kế hoạch thí điểm mở cửa du lịch quốc tế tại các hòn đảo như Phú Quốc của Việt Nam hay Bali của Indonesia. Diễn biến dịch tại hai nước đều đang rất nghiêm trọng nhưng trong bối cảnh thế giới có thể sẽ phải sống chung lâu dài với Covid-19 thì việc có bước đi táo bạo sẽ tạo ra lợi thế trong cuộc đua hút khách du lịch thời hậu đại dịch.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.