Dù là đất nước Phật giáo và quan điểm bảo thủ, Thái Lan lại được nhiều người biết đến vì ngành công nghiệp tình dục.
Bên cạnh các bãi biển đẹp và những ngôi chùa cổ kính, một lượng đáng kể du khách tìm đến đất nước này vì muốn khám phá khu phố đèn đỏ được xem là nhộn nhịp và cởi mở hàng đầu châu Á. Chính phủ Thái Lan dự đoán lượt khách năm 2016 sẽ tiếp tục chứng kiến một kỷ lục mới.
Báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) năm 2014 cho biết, khoảng 123.530 người đang làm việc trong ngành công nghiệp tình dục ở Thái Lan. Con số này ở Campuchia là 37.000 người.
Các cô gái đứng chào mời khách bên ngoài một quán bar ở phố đèn đỏ tại Bangkok. Ảnh: Reuters
Thanh tẩy ngành du lịch
Phần lớn các cô gái làm việc ở phố đèn đỏ Thái Lan có xuất thân từ những vùng làng quê nghèo khó ở miền Đông Bắc. Bị hạn chế về học vấn và kỹ năng, họ xem việc kinh doanh "vốn tự có" là cách thoát nghèo nhanh và dễ dàng.
Một cô gái đến từ tỉnh Maha Sarakham chia sẻ, cô vào nghề từ năm 19 tuổi và kiếm được đến 5.000 baht (hơn 140 USD) mỗi đêm, gần gấp 20 lần mức lương cơ bản tối thiểu là 300 baht (khoảng 9 USD/ngày). "Chẳng ai muốn làm công việc này cả nhưng nó giúp tôi kiếm tiền tốt", cô nói.
Về hình thức, mại dâm vẫn là nghề bị cấm ở Thái Lan. Tuy nhiên, việc thực thi luật phần lớn chỉ qua loa. Các chuyên gia nói rất khó để loại trừ công nghiệp tình dục, do nó đã phát triển và bám rễ rất sâu. Đây cũng là một nguồn thu ngầm của một bộ phận công chức và cảnh sát.
Tuy nhiên, người không hài lòng nhất với công nghiệp tình dục ở Thái Lan chính là Bộ trưởng Du lịch của nước này, bà Kobkarn Wattanavrangkul.
"Du khách không đến Thái Lan vì điều này, họ đến vì nền văn hóa tươi đẹp của chúng tôi. Chúng tôi muốn Thái Lan xây dựng ngành du lịch chất lượng, đẩy lùi tai tiếng về công nghiệp tình dục", Bộ trưởng Kobkarn nói.
Thời gian gần đây, cảnh sát Thái cũng tăng cường các cuộc kiểm tra nhà thổ tại những thành phố lớn. Họ tuyên bố thực hiện chiến dịch này liên tục và định kỳ. Những nội dung kiểm tra chủ yếu là các chủ cơ sở có tuyển lao động chưa đủ tuổi hay người nhập cư trái phép hay không.
Đến nay, Reuters cho biết chỉ có 1 cơ sở bị đóng cửa. Một đại diện của cảnh sát khẳng định việc kiểm tra của họ không liên quan đến chiến dịch chấn chỉnh ngành du lịch Thái Lan của bà Bộ trưởng Kobkarn.
Cảnh sát Bangkok bắt những cô gái hành nghề mại dâm do nhập cư trái phép ở Thái Lan. Ảnh: The Nation
Khó dẹp bỏ
Những người trực tiếp trong ngành cho rằng, việc hạn chế mại dâm sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn lại lợi nhuận đáng kể cho Thái Lan, vốn trong giai đoạn phục hồi sau biến động quân sự hồi năm 2014 đã đẩy đất nước đến bờ vực suy thoái.
Trong khi đó, các nhóm hoạt động thúc đẩy quyền lợi cho các cô gái làm việc trong lĩnh vực nhạy cảm này khẳng định, mục tiêu của Bộ trưởng Kobkarn là phi thực tế.
Panomporn Utaisri, trưởng đại diện ở Thái Lan của tổ chức NightLight chuyên hỗ trợ gái mại dâm tìm kiếm nghề khác, chỉ ra điều nghịch lý rằng, trong khi chính phủ nỗ lực thúc đẩy ngành du lịch, nhưng lại phủ nhận sự đóng góp của mại dâm đối với nền kinh tế và du lịch.
Ngành du lịch đóng góp đến 10% GDP của Thái Lan, và tầm nhìn "thanh tẩy" ngành này của bà Bộ trưởng Kobkarn sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu. "Việc ngành công nghiệp tình dục mang lại lợi nhuận lớn là điều không thể chối bỏ", Panomporn nói.
Surang Janyam, giám đốc một tổ chức chăm sóc y tế miễn phí và dạy nghề cho các cô gái làng chơi, nói: "Sự hiện diện của cảnh sát khiến một lượng đáng kể du khách không còn đến thư giãn hoặc bù khú ở các quán bar. Loại bỏ ngành này chắc chắn sẽ khiến Thái Lan mất du khách và nguồn thu".
Các nhà hoạt động như Panomporn và Surang nhấn mạnh, họ sẽ hoan nghênh việc chính phủ đóng cửa ngành công nghiệp mại dâm, nhưng chỉ khi chính quyền có kế hoạch bảo đảm giúp đỡ những phụ nữ này có được việc làm mới để đủ nuôi sống bản thân, tránh sa vào con đường cũ.