Giảm căng thẳng nhờ đi bộ trong tự nhiên

GD&TĐ -Các nhà nghiên cứu đã báo cáo về vô số sự khác biệt của sức khỏe tâm thần giữa những người sống ở môi trường nông thôn và thành thị.

Đi bộ một giờ trong rừng làm giảm hoạt động của các khu vực não chịu trách nhiệm xử lý căng thẳng.
Đi bộ một giờ trong rừng làm giảm hoạt động của các khu vực não chịu trách nhiệm xử lý căng thẳng.

Một nghiên cứu mới mang tính bước ngoặt từ các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Phát triển Con người Max Planck (Đức) đã đưa ra một số bằng chứng đầu tiên cho thấy, đi bộ một giờ trong rừng làm giảm hoạt động của các khu vực não chịu trách nhiệm xử lý căng thẳng. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Molecular Psychiatry.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã báo cáo về vô số sự khác biệt của sức khỏe tâm thần giữa những người sống ở môi trường nông thôn và thành thị. Rõ ràng là dành thời gian trong môi trường tự nhiên có thể có lợi về mặt tâm lý.

Song, một số câu hỏi xung quanh mối liên hệ giữa thiên nhiên và thư giãn vẫn chưa được giải đáp. Sonja Sudimac - tác giả chính của nghiên cứu mới, cho biết, vẫn chưa rõ liệu môi trường đô thị có thực sự gây ra nhiều căng thẳng hơn?

Ngược lại, liệu tiếp xúc với môi trường tự nhiên có làm giảm căng thẳng? “Đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Cụ thể là liệu, thiên nhiên có thực sự gây ra những tác động lên não, hay những cá nhân cụ thể chọn sống ở nông thôn hoặc thành thị không?”, nhà khoa học Sudimac chia sẻ.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm độc đáo. Nhờ đó, nhằm tìm ra liệu việc dành thời gian trong tự nhiên có trực tiếp làm giảm phản ứng căng thẳng của con người không. Các nhà khoa học đã tuyển chọn khoảng 60 tình nguyện viên. Người tham gia được chụp MRI. Trong đó, hoạt động của hạch hạnh nhân được theo dõi trong một số bài kiểm tra đo phản ứng căng thẳng.

Sau khi thực hiện các phép đo cơ bản, người tham gia được phân bổ ngẫu nhiên vào nhóm đi bộ 60 phút tại đô thị, hoặc trong rừng. Tuyến đường đô thị dọc theo một con phố đông đúc ở Berlin.

Trong khi đó, tuyến đường tự nhiên đi qua một khu rừng gần đó, gồm nhiều cây xanh lớn nhất trong thành phố. Sau khi hoàn thành cuộc đi bộ kéo dài một giờ, những người tham gia trở lại phòng thí nghiệm. Họ được thực hiện lặp lại các xét nghiệm hình ảnh MRI tương tự.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, trong các bài kiểm tra căng thẳng, nhóm đi bộ ở tự nhiên có tình trạng giảm hoạt động của hạch hạnh nhân. Những người đi bộ trên tuyến đường đô thị không cho thấy sự thay đổi trong hoạt động của hạch hạnh nhân.

Điều này có nghĩa là tiếp xúc với môi trường thành thị không nhất thiết làm tăng phản ứng căng thẳng của một người. Tuy nhiên, dành thời gian trong tự nhiên có thể làm giảm hoạt động thần kinh đó.

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Chúng tôi đã chứng minh rằng, sự kích hoạt hạch hạnh nhân giảm trong một nhiệm vụ căng thẳng sau khi tiếp xúc với thiên nhiên. Trong khi đó, nó vẫn ổn định sau khi tiếp xúc với môi trường đô thị”.

Theo New Atlas

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ