Sốt xuất huyết đang quay trở lại

GD&TĐ - Dù chưa vào đỉnh dịch nhưng số người mắc sốt xuất huyết tăng trên phạm vi cả nước. Tính đến thời điểm này, gần 70% người mắc bệnh tập trung ở khu vực phía Nam do bắt đầu vào mùa mưa nhưng điểm đáng lưu ý lại nằm ở các địa phương (Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Trà Vinh…) bởi số bệnh nhân tăng nhanh từng ngày.

Nhiều địa phương đang dồn lực cho việc diệt trừ muỗi
Nhiều địa phương đang dồn lực cho việc diệt trừ muỗi

Tăng ở nhiều nơi

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất tại 47 tỉnh/thành phố, trong đó có hơn 10 trường hợp tử vong. Cho đến thời điểm này, người mắc bệnh vẫn tập trung ở khu vực miền Nam (gần 70% người bệnh) nhưng Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Trà Vinh, TPHCM mới là địa phương có số người mắc tăng mạnh.

Tại TPHCM, ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, số người mắc sốt xuất huyết liên tục tăng trong những tuần gần đây. Toàn thành phố hiện có 9.141 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện, tăng 11% so với cùng năm 2016; trong đó có 3 ca tử vong, tăng 2 ca so với cùng kỳ 2016. Số người mắc tăng nên các bệnh viện cũng rơi vào tình trạng quá tải. Điển hình nhất là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, lượng bệnh nhân nhập viện vì bệnh này những tháng trước chỉ khoảng 40 người/ngày nhưng từ tháng 6 đến nay tăng lên 60, thậm chí 80 ca điều trị nội trú.

Tuy không phải trọng điểm của dịch bệnh nhưng so với mọi năm, dịch sốt xuất huyết đang có diễn biến bất thường ở Hà Nội. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận trên 2.000 ca mắc, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2016. Trong số trường hợp mắc, ổ dịch tập trung tại một số khu vực trọng điểm như quận Đống Đa 88 ổ dịch (gần 500 người mắc, gấp gần 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Quận Hoàng Mai 83 ổ dịch với 340 người mắc, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ. Các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm có số mắc tăng 5,5 lần so với cùng kỳ...

Còn theo thống kê của ngành Y tế Cà Mau, trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết; trong khi đó, cùng kỳ năm 2016 chỉ hơn 700 ca. Điều đáng nói, hầu hết các huyện, thành phố của tỉnh Cà Mau đều có ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, huyện Trần Văn Thời có số người mắc bệnh cao nhất, với trên 350 ca. Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh, bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là do đang vào mùa mưa, thuận lợi để muỗi phát triển gây bệnh.

Lo ngại nguy cơ lây nhiễm chéo

Dịch bệnh ồ ạt tấn công đồng nghĩa với việc các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) từ đầu năm đến nay tiếp nhận trên 40% bệnh nhi từ địa phương khác. Đây là lý do khiến bệnh viện lúc nào cũng trong tình trạng quá tải cho dù số giường bệnh thực kê đã lớn hơn số được giao 200 giường. Quá tải khiến nhiều bệnh nhi phải nằm chung giường nhưng theo lãnh đạo bệnh viện này, bệnh nhân từ các tỉnh khác chuyển đến là những ca nặng, không thể từ chối.

Theo bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, (Bệnh viện Nhi đồng 1), trong số trẻ nằm viện có 116 trẻ mắc sốt xuất huyết đang điều trị. Có khoảng 10 trường hợp bị sốc sốt xuất huyết khá nặng. Một số bé phải thở máy, đã có 2 trường hợp tử vong. Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đang cấp cứu cho 5 trường hợp sốt xuất huyết nặng. Còn theo ghi nhận của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, trong số hàng chục bệnh nhi nhập viện thì có 10% - 15% các bé bị nặng. Tại đây cũng có nhiều bệnh nhân là người lớn mắc sốt xuất huyết thể nặng. Nguyên nhân, người lớn thường chủ quan hơn, mắc bệnh nhưng không để ý, tự đi mua thuốc uống, không theo dõi sát bệnh nên đa phần nhập viện trễ và thường gặp nhiều biến chứng, sốc, thậm chí tử vong.

Chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh, theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm nhất khi đã cắt cơn sốt. Lúc này cần theo dõi sát sao thân nhiệt người bệnh bởi lúc này tiểu cầu giảm sâu dẫn đến đông máu, nếu không phát hiện kịp thời qua xét nghiệm dễ dẫn đến sốc, tử vong.

Có thể thấy, sốt xuất huyết, Zika và viêm não là những bệnh đang chiếm thế thượng phong ở nhiều địa phương. Trong các khoa nhiễm của bệnh viện, phần lớn lượng bệnh nhân nằm điều trị vì bệnh trên.

Trước thực trạng này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu lo ngại khả năng dịch bệnh sẽ lây nhiễm chéo trong bệnh viện là rất cao và nếu để tình trạng này kéo dài thì tình trạng quá tải bệnh viện càng thêm nặng nề. Do vậy các đơn vị cần chuẩn bị hậu cần thật tốt, tránh trường hợp như một số ca tử vong ở phía Bắc trong thời gian qua là do chẩn đoán tình hình lệch lạc, chuyển tuyến sai, dẫn đến xử lý không kịp thời.

Theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, năm nay dịch bệnh trên cả nước nói chung và tại TPHCM nói riêng vào mùa sớm và có diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu cộng với sự dịch chuyển dân số tăng cao. Các địa phương cần có những giải pháp hiệu quả, tập trung vào vấn đề tiêu diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy. Bên cạnh đó, vận động người dân cùng chung tay, chủ động phòng chống dịch bệnh cùng với ngành Y tế thì mới đạt hiệu quả cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ