Cần xử lý nghiêm các hành vi xuyên tạc ngành Giáo dục

GD&TĐ - GD-ĐT là lĩnh vực người dân các quốc gia trên thế giới đều quan tâm vì liên quan đến sự phát triển hay tồn vong của giống nòi và dân tộc.

Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn... Ảnh: INT
Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn... Ảnh: INT

Thông tin sai lệch

Tại Việt Nam, từ thuở xa xưa, ông cha ta đã xây dựng nên truyền thống “kính thầy, trọng học”.

Trong thời đại ngày nay, Đảng và Nhà nước xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, dành ngân sách lớn (những năm gần đây trung bình khoảng 18% tổng chi ngân sách mỗi năm).

Các thế lực thù địch và cơ hội chính trị cũng “ăn theo” sự quan tâm của người dân để đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc ngành Giáo dục; từ đó kích động người dân “quay lưng” với cán bộ của ngành, giảm niềm tin vào đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Việc xuyên tạc những nội dung trong sách giáo khoa phổ thông gần đây là một ví dụ.

Từ đầu năm học 2023 - 2024 đến nay, nhiều tài khoản mạng xã hội đã lan truyền thông tin về nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa có “sạn”.

Mỗi bài đăng kèm theo hình ảnh và cho rằng, nội dung đó được in trong sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Ví dụ như các tác phẩm: Giã gạo thổi cơm, Bạn An dũng cảm, Bắn tung tóe, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó…

Các bài đó thu hút nhiều người xem và các ý kiến bình luận tiêu cực về chất lượng sách giáo khoa mới.

“Tung hô” sau các bài viết này là các “anh hùng bàn phím”, “bình loạn” tiêu cực về sách giáo khoa, người viết sách giáo khoa và ngành Giáo dục. Các đối tượng thù địch lấy các hiện tượng này, “chế biến” thêm rồi nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Thế nhưng, trên thực tế, các thông tin lan truyền trên mạng xã hội về một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa như: Giã gạo thổi cơm, Bắn tung tóe, Bạn An dũng cảm, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó... lại không hề có trong sách giáo khoa hiện hành được thực hiện tại các nhà trường.

Theo Bộ GD&ĐT, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đến nay có 3 bộ sách giáo khoa gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều.

Các địa phương được quyền lựa chọn các bộ sách khác nhau để dạy học. Ngay từ khi mới ra đời, một số sách giáo khoa được giáo viên, phụ huynh phát hiện có “sạn”, một số ngữ liệu chưa phù hợp. Sau đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản chỉnh sửa.

Năm học 2023 - 2024, học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 (bậc tiểu học); học sinh lớp 6 đến lớp 8 (bậc THCS) và học sinh lớp 10 và 11 (bậc THPT) học theo chương trình, sách giáo khoa mới. Năm học tới, các lớp cuối cấp gồm lớp 5, lớp 9, lớp 12 sẽ học theo chương trình, sách giáo khoa mới.

Hình ảnh chụp một trang sách có in bài đồng dao “Giã gạo thổi cơm” và cho rằng đây là một bài trong sách giáo khoa là không đúng. Bài đồng dao có nội dung như sau: “Giã gạo thổi cơm trưa/ Còn thừa để đến tối/ Ai vay thì nói dối/ Nhà tôi hết gạo rồi/ Chống cối lên”.

Nhiều ý kiến bình luận cho rằng nội dung của bài mang ý nghĩa xấu khi dạy trẻ con nói dối, không phù hợp để đưa vào sách giáo khoa. Thực tế bài đồng dao này nằm trong cuốn “Nựng nựng nà nà” thuộc bộ sách “Đồng dao cho bé” của Nhà xuất bản Kim Đồng, in năm 2022.

Tương tự, các tác phẩm: Bắn tung tóe, Bạn An dũng cảm, Bé xách đỡ mẹ, Vẽ gì khó... cũng không có trong sách giáo khoa đang được thực hiện tại các nhà trường trong cả nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã có công văn đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nguồn gốc thông tin xuyên tạc trên, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đăng tải, xuyên tạc.

Sách giáo khoa lớp 1, Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sách giáo khoa lớp 1, Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Biết thì thưa thốt…

Không chỉ riêng sách giáo khoa mà trong thời gian gần đây, một số vụ việc cụ thể trong ngành Giáo dục - Đào tạo cũng bị xuyên tạc trên mạng xã hội cho rằng đó là “bản chất của chế độ”, do “độc đảng lãnh đạo”… như lạm thu, chất lượng bữa ăn bán trú, dạy thêm, học thêm…

Từ đó các đối tượng viết các thông tin đó “kiến nghị” phải “thay thế lãnh đạo ngành Giáo dục”, phải “đa nguyên, đa đảng”…

Cách đây hơn 2 tháng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục và toàn thể đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.

Đoàn giám sát nhận thấy, Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng công phu, nghiêm túc, dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, lý luận và thực tiễn, có tính kế thừa và phát triển; bám sát mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13.

Quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch.

Thay mặt cơ quan chịu sự giám sát, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành Giáo dục với hơn 1 triệu nhà giáo đã làm nhiều việc thực chất, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tạo nên những chuyển biến có thực trong thực tế.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi triển khai đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018 có một Đoàn giám sát làm việc với quy mô rộng lớn, toàn diện mang tính toàn quốc.

“Ngành Giáo dục thấy vui mừng vì những gì ngành làm trong thời gian qua được ghi nhận. Những ghi nhận của Đoàn giám sát khiến cho toàn ngành được động viên rất nhiều, bởi Đoàn giám sát đã làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, sâu sát, thực tiễn và với tinh thần thấu hiểu, xây dựng”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ.

Tục ngữ có câu: “Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe”. Có nghĩa là khi biết rõ về một vấn đề gì đó thì bạn hãy nói ra, còn không hiểu rõ thì tốt nhất bạn hãy im lặng để lắng nghe người khác nói.

Vì vậy việc phê bình, góp ý cho sách giáo khoa hay bất kỳ vấn đề gì liên quan đến nền giáo dục nước nhà cũng cần thiết và nên làm.

Tuy nhiên, động cơ và mục đích phê bình, góp ý, cũng như thái độ và cách làm cần trong sáng, tôn trọng nhau, đặc biệt cần nêu thông tin đúng và trung thực, có căn cứ, bằng chứng cụ thể, rõ ràng. Đừng chỉ nghe nói đâu đó rồi đưa lại mà không kiểm chứng.

Bất cứ ai khi sử dụng mạng xã hội cũng đều phải tỉnh táo, không bình luận, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng. Bởi lẽ, theo quy định của Điều 331 Bộ luật Hình sự, các trường hợp đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội tạo ra dư luận xã hội xấu, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội có thể bị xử lý về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ