- Này bác, đám nhỏ nhà bác bắt đầu đọc sách văn học từ khi nào?
- Từ lúc chúng còn bé xíu. Chưa biết chữ thì em đọc chúng nghe, nói với chúng vì sao lại đọc sách này. Biết chữ rồi thì bọn nhỏ lôi em ra hiệu sách để trả tiền cho những cuốn chúng chọn, nhưng phải có lý do chính đáng. Mà sao nay bác lại hỏi em chuyện này?
- Thế bác cứ mặc chúng muốn đọc sách gì thì đọc à?
- Phải tôn trọng quyền lựa chọn của bọn nhỏ chứ bác. Nhất là đến tuổi thanh thiếu niên chúng có lăng kính khác, “khẩu vị” khác, nếu cố tình áp góc nhìn của cha mẹ là lạc hậu rồi, còn lâu chúng mới chịu.
Tất nhiên, em vẫn thường xuyên trao đổi cởi mở về mọi khía cạnh đời sống để định hướng chúng có cách tiếp nhận hiệu quả, tích cực. Vả lại, khi đến trường, đến lớp, chúng cũng được thầy cô hướng dẫn, giới thiệu thêm nên có gì mà phải lo ngại nữa bác?
- Bác cứ chủ quan! Vừa rồi có ồn ào về cuốn “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” do cô giáo giới thiệu cho học sinh lớp 11 và bị phụ huynh phản ứng gay gắt, bác biết không?
- Em biết chứ. Vụ việc đó gây ồn ào, bàn cãi hơn tuần nay. Hôm qua còn có tin Cục Xuất bản, In và Phát hành vào cuộc làm cho vụ việc càng “nóng” hơn trong những đồn thổi. Đấy là nghiệp vụ quản lý của cơ quan chức năng xem có cần dán nhãn 18+ hay không, em không bàn.
Nhưng điều em thấy khó hiểu là, cô giáo trao cuốn “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” cho học sinh đọc cũng có cơ sở đấy chứ? Đây đâu phải là tác phẩm vô danh tiểu tốt khi đã được thẩm định từ giới chuyên môn với cả series giải thưởng cả ở tây lẫn ta.
Mấy năm qua, cuốn tiểu thuyết được độc giả đón nhận một cách tích cực, thậm chí còn là sách bán chạy. Bạn đọc hôm nay rất tinh, kể cả với những bạn đọc trẻ. Họ sẽ không đón nhận nếu nó thực sự là sách “khiêu dâm”, “đầu độc về mặt tinh thần” - như ý kiến của vị phụ huynh kia.
Cũng bởi, những đoạn bị lọc ra và cắt cúp làm bằng chứng kia mà đặt trong tổng thể đều có thông điệp riêng, không hề tác động đến thế giới quan thiện lành mà độc giả thẩm thấu được từ tiểu thuyết này.
Và cuốn sách đẹp đẽ như một áng thơ trong từng câu chữ, đem đến cho cuộc sống này những niềm tin tươi tắn được xây đắp từ hành trình kiếm tìm bản ngã với không ít mất mát, tổn thương…
Thế mà, chỉ từ bài đăng của một phụ huynh, tác phẩm đó liền bị lôi ra lên án làm cho nhà trường phải vội thu hồi sách. Cách ứng xử ấy là vội vã, đẩy sự việc đi xa hơn. Lẽ ra, nhà trường cần có trách nhiệm tìm hiểu tường tận tác phẩm và đưa ra chính kiến cũng như định hướng đọc phù hợp cho học sinh, khi các em đã bước sang tuổi 17.
Em cũng thấy buồn vì sao nhiều người cứ mất thời gian tham gia vào cuộc tranh cãi, bị cuốn theo ý kiến cá nhân mà không bình tĩnh nhìn lại bấy lâu nay mình đã trang bị được gì cho bản thân cũng như con trẻ để có đủ năng lực tiếp nhận và có thái độ ứng xử công bằng với các sản phẩm văn hóa, nhất là những tác phẩm văn học?
Thêm nữa, thay vì chăm chỉ lướt mạng xã hội, nhanh tay gõ phím bàn tán rồi sợ hãi quay sang canh chừng con trẻ đọc gì thì sao không cùng chúng trau dồi kỹ năng đọc để biết sàng lọc và có những lựa chọn chính xác, bác nhỉ?