Cần tuyên truyền mạnh hơn nữa về bảo hiểm xã hội

GD&TĐ - Những ngày đầu tháng Tư, tình trạng người lao động đổ xô đi rút bảo hiểm xã hội (BHXH) lại tái diễn ở TPHCM.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo cơ quan BHXH của thành phố, đã xuất hiện dấu hiệu quá tải làm thủ tục nhận BHXH một lần ở một số nơi như TP Thủ Đức, Quận 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh...

Ba tháng đầu năm, thành phố có hơn 37 nghìn người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ của năm 2021. Số lượng hồ sơ tăng, trong khi khả năng tiếp nhận và xử lý hạn chế nên quá tải là khó tránh.

Theo BHXH Việt Nam, những năm gần đây, trung bình mỗi năm cả nước có gần 750 nghìn người đề nghị rút BHXH một lần, tương ứng với 2 người tham gia mới, thì có một người rời hệ thống và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trong 2 năm liên tiếp (2020 và 2021), mỗi năm, BHXH ghi nhận hơn 860 nghìn lao động rút BHXH một lần. Thực trạng này đặt ra nhiều vấn đề xã hội, dân sinh cần quan tâm giải quyết.

Có rất nhiều nguyên nhân lí giải cho việc người lao động cần hoặc buộc phải rút BHXH. Ngoài việc coi khoản tiền bảo hiểm như một món tiết kiệm hữu ích khi cần chi tiêu, nhiều người còn có tâm lý lo ngại là không biết có đủ sức lực để làm việc cho đến khi nhận lương hưu.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH TPHCM, 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên bao gồm: Thứ nhất, người lao động ngừng việc bị mất thu nhập, cần tiền trang trải cuộc sống.

Thứ hai, một số lao động từ tỉnh khác đến TPHCM chọn hưởng BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt. Thứ ba, nhiều lao động nghĩ nhận BHXH là trợ cấp mất việc để giải quyết khó khăn, sau đó sẽ tham gia tiếp khi có điều kiện.

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến để người lao động thấy được mặt lợi - hại khi rút bảo hiểm một lần, ngành LĐ,TB&XH luôn nhấn mạnh rằng, việc làm trên chỉ đáp ứng cái lợi trước mắt mà không tính toán cho tương lai lâu dài, đặc biệt là khi hết tuổi lao động.

Có thể thấy ngay những thiệt thòi mà người lao động phải gánh chịu như: Số tiền nhận được ít hơn so với số tiền đã đóng; Không được cộng thời gian tham gia bảo hiểm; Mất cơ hội có thêm khoản tiền khi về già; Khi chết không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng...

Mặc dù, công tác tuyên truyền luôn được trú trọng nhưng hiệu quả mang lại không như kì vọng. Và thực trạng số lượng người đi rút BHXH một lần vẫn có chiều hướng tăng là một minh chứng.

Trước mắt, cơ quan BHXH TPHCM phải tập trung nhân lực, tạo điều kiện giải quyết hồ sơ để đáp ứng nguyện vọng của người lao động. Để tình trạng “ra nhiều hơn vào” không tái diễn trong những năm tới, thì còn rất nhiều việc phải làm, từ cải thiện tiền lương, điều kiện sống và làm việc của người lao động... đến sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến việc làm, chế độ BHXH...

Trong lúc chờ những đổi thay mang tính dài hơi, một lần nữa, ngành chức năng lại phải tập trung, tăng cường mạnh công tác tuyên truyền để người lao động nhận thức đúng, đủ về lợi ích của việc tham gia BHXH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ