CHO CON HỌC TIỀN TIỂU HỌC:

Cẩn trọng để tránh ‘tác dụng ngược’

GD&TĐ - Bước vào học kỳ II năm học 2024-2025, nhiều phụ huynh đổ xô đăng ký lớp tiền tiểu học vì lo ngại con sẽ thua kém bạn bè khi vào lớp 1.

Trường Mầm non Phú Mỹ (Quận 7, TPHCM) tổ chức lớp học giả định cho trẻ làm quen với môi trường lớp 1.
Trường Mầm non Phú Mỹ (Quận 7, TPHCM) tổ chức lớp học giả định cho trẻ làm quen với môi trường lớp 1.

Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, thay vì ép trẻ học trước kiến thức, điều quan trọng là giúp con rèn luyện kỹ năng cần thiết và chuẩn bị tâm lý vững vàng trước ngưỡng lớp 1.

Cấp tập tìm lớp tiền tiểu học

Từ sau Tết Nguyên đán 2025, nhiều phụ huynh có con học mầm non tất bật tìm lớp học chữ, tiền tiểu học với mong muốn con có hành trang vững vàng trước khi vào lớp 1. Trên các hội nhóm phụ huynh ở TPHCM, không ít cha mẹ lo lắng khi con 5 tuổi nhưng chưa thuộc hết bảng chữ cái, chỉ đếm được từ 1 đến 10. Nhiều người lên mạng hỏi kinh nghiệm về thời điểm phù hợp để cho con học tiền tiểu học.

Các câu hỏi như “Nên cho con học tiền tiểu học trước bao lâu?”, “Có giáo viên nào dạy tiền tiểu học không?”, “Bé sinh năm 2019, đến hè học tiền tiểu học có muộn không?” được thảo luận sôi nổi.

Thậm chí, có phụ huynh có con sinh năm 2020, sang năm mới vào lớp Lá, cũng đã tìm hiểu thời điểm thích hợp để cho con học chữ trước. Dưới các bài đăng, nhiều bậc cha mẹ chia sẻ kinh nghiệm, trong khi các trung tâm tranh thủ giới thiệu chương trình và học phí.

Chị Vũ Thanh Huyền (ngụ Quận 7, TP.HCM) cho biết, chỉ còn 5 tháng nữa con gái sẽ vào lớp 1, nên từ đầu năm học 2024-2025, chị đã đắn đo về việc có nên cho con đi học tiền tiểu học hay không.

Ban đầu, chị tham khảo ý kiến trên các hội nhóm, thấy nhiều người nói chương trình lớp 1 không quá nặng nên không cần học trước. Tuy nhiên, khi nhận ra hầu hết phụ huynh trong lớp đều đăng ký cho con học, chị cũng quyết định tìm trung tâm và cho con học từ tháng 2.

Chung nỗi lo ấy, anh Vương Hoàng Bình (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) lo sợ con gái sẽ không theo kịp bạn bè khi vào lớp 1, nên đã cho con học tiền tiểu học từ tháng 11/2024. Anh chia sẻ, lớp học giúp con làm quen với bảng chữ cái, bảng vần, bảng phụ, các số từ 1 đến 10 và phép cộng trừ trong phạm vi 10.

“Qua tìm hiểu, tôi thấy học tiền tiểu học rất cần thiết nên quyết định đăng ký cho con. Một lớp có đến 40-50 học sinh, giáo viên không thể hướng dẫn từng bé. Học trước giúp con quen với chữ, số, cách cầm bút, tư thế ngồi học… Khi vào lớp 1, con cũng tự tin hơn. Nếu cả lớp đều biết chữ, biết số mà con mình chưa biết gì, bé dễ cảm thấy thua kém, dần trở nên nhút nhát”, anh Bình chia sẻ.

Cần trang bị các kỹ năng

Theo nhiều giáo viên, việc cho trẻ học trước kiến thức tiền tiểu học không thực sự cần thiết, thậm chí có thể gây tác dụng ngược. Giai đoạn tiền tiểu học là bước chuyển quan trọng, do đó cha mẹ nên tập trung trang bị cho con kỹ năng, tâm lý vững vàng thay vì ép trẻ học sớm, dễ dẫn đến căng thẳng, chán học.

bao-luc-hoc-duong-2.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Quận 1, TPHCM) hào hứng với chương trình kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường tại trường.

Cô Phạm Bảo Hạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Phong (Quận 7) cho biết, ở bậc mầm non, trẻ học qua các hoạt động vui chơi, sinh hoạt theo nhu cầu bản thân dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Trong khi đó, lên tiểu học, các em phải hoàn thành nhiệm vụ học tập theo tiến độ lớp, tuân thủ nội quy trường học và biết tự phục vụ cá nhân. Đây là thay đổi lớn, có thể gây khó khăn cho trẻ khi bước vào lớp 1.

Vì vậy, gia đình cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để con không bị sốc khi chuyển môi trường, giúp cha mẹ bớt áp lực trong giai đoạn này. “Nếu trẻ học trước chương trình, khi vào lớp 1 có thể chủ quan, mất tập trung.
Thay vào đó, cha mẹ nên cùng con trò chuyện về thầy cô, bạn bè, khơi gợi sự háo hức với ngôi trường mới. Hãy rèn cho con thói quen đi ngủ sớm, dậy sớm, đúng giờ, tạo góc học tập ngăn nắp để hình thành ý thức tự giác. Việc dạy chương trình lớp 1 quá sớm không phù hợp với sự phát triển của trẻ dưới 6 tuổi, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con”, cô Hạnh chia sẻ.

Đồng quan điểm, cô Văn Ngọc Tường Vy - giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM), cho rằng mỗi giai đoạn phát triển của trẻ cần có phương pháp giáo dục phù hợp. Trước khi vào lớp 1, phụ huynh chỉ cần cho con làm quen mặt chữ, còn việc học phát âm sẽ được hướng dẫn chính thức ở trường.

“Điều quan trọng là trang bị cho trẻ những kỹ năng thiết yếu và tâm lý vững vàng. Đặc biệt, cần rèn luyện các kỹ năng như: giao tiếp, hợp tác, tự phục vụ, tự đi vệ sinh… để con tự tin hòa nhập với môi trường mới. Ngoài ra, cha mẹ nên khuyến khích trẻ mạnh dạn bày tỏ ý kiến, biết tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết”, cô Vy nhấn mạnh.

Tiến sĩ Tâm lý Bùi Hồng Quân, Trưởng khoa Giáo dục mầm non (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) chia sẻ: “Nếu cho trẻ học tiền tiểu học với mục đích nhằm dạy trước kiến thức, hoàn toàn không phù hợp với quy luật phát triển của trẻ.

Giai đoạn tiền tiểu học là “giai đoạn vàng” phát triển về thể lực cho trẻ, phát triển về năng lực tư duy, rèn cho trẻ phong cách học tập và giúp trẻ cảm thấy thích thú với việc tự học. Khi rèn được những đặc điểm, tính cách đó, con đường học tập của trẻ sau này sẽ dễ dàng hơn, đơn giản hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ