(GD&TĐ) - Sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố kết quả chỉ số đánh giá giáo dục toàn cầu thuộc chương trình đánh giá học sinh toàn cầu (PISA), học sinh Việt Nam được xếp thứ 17, cao hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ… Báo chí trong và ngoài nước đã đồng loạt đưa tin về sự kiện này, và cho tới hôm nay bầu không khí đàm đạo xung quanh sự kiện vẫn còn khá nóng.
Bên cạnh những bài báo bày tỏ niềm vui bất ngờ và có sự nhìn nhận công tâm, nghiêm túc để đánh giá kết quả PISA một cách khoa học thì không ít tờ báo đưa ý kiến chủ quan trái chiều, hướng đến mục đích phủ nhận thành tựu của giáo dục Việt Nam.
Thậm chí có những bài giật tít đầy cực đoan như: Kết quả PISA cũng chông chênh như tháp pisa; Càng học giỏi càng ít hạnh phúc, Thế giới bất ngờ, dư luận nghi ngờ rồi sao nữa…
Đọc những hàng tít trên đây, tôi lại nhớ cái cảm giác tràn đầy niềm xúc động của tập thể GV và HS Trường THPT Nguyễn Hiền, Đà Nẵng vào buổi sáng ngày 4/12, sau khi bản tin thời sự VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam công bố kết quả PISA của HS Việt Nam. Cô Lê Thị Tuyết Hồng, Hiệu trưởng nhà trường đã mua Báo Giáo dục và Thời đại có đăng tải thông tin về sự kiện trong ngày, phát tới tay từng HS được tham gia khảo sát PISA của OECD.
“Là một trong hai đơn vị trường của thành phố Đà Nẵng được khảo sát đánh giá PISA đợt này, thầy và trò chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết tính chất khách quan và khoa học của cả quy trình đánh giá.
Thật bất ngờ nhưng cũng rất vui vì kết quả công bố của OECD là sự khích lệ lớn đối với các em học sinh, với phụ huynh và đội ngũ thầy cô giáo để tự tin hơn, không nản lòng trước khó khăn, mặt nào mạnh thì phát huy, mặt nào chưa mạnh thì phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa.
Tôi cho rằng chỉ những ai không hiểu gì về PISA thì mới tỏ ra nghi ngờ mà thôi”, cô Hồng bày tỏ.
Trực tiếp tới Trường THPT Nguyễn Hiền để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi càng có thêm một số chứng cứ để khẳng định không có gì đáng phải nghi ngờ trong quy trình khảo sát, đánh giá PISA của OECD: Từ hiệu trưởng đến HS tham gia kỳ khảo sát đều rất nghiêm túc, không có hiện tượng quay cóp, hay là tráo đổi nào. Sự lựa chọn HS hoàn toàn ngẫu nhiên.
Trong 35 học sinh lớp 10 của trường có em lưu ban, có em đã định bỏ học, nhưng do nằm trong danh sách được khảo sát nên được sự động viên của GV chủ nhiệm cũng như các GV bộ môn, các em tỏ ra rất cố gắng.
Đề thi làm trong suốt 3 tiếng đồng hồ, riêng phần Toán có tới 53 câu hỏi, mỗi câu hỏi lại gồm những ý nhỏ. Sự trả lời cũng đi liền với môi trường vùng miền. Cô Tuyết Hồng cho biết thêm: “HS nghĩ như thế nào thì trả lời như thế ấy và trả lời theo độ tuổi 15 nên GV có muốn chỉ vẽ cho các em cũng không biết đường nào mà chỉ vẽ; bản thân hiệu trưởng cũng được khảo sát rất nhiều thứ”…
Về nghiệm thu công bố kết quả, TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam cho biết: Khi nghiệm thu, chúng ta đã trải qua một thử thách rất lớn. Trong quan niệm của OECD, Việt Nam là nước đói nghèo, lạc hậu, các chỉ số rất thấp, vì thế họ cũng nghĩ rằng kết quả của mình không cao. Vì thế họ kiểm tra rất kỹ khi nhận thấy hiện tượng “đột biến”.
Chẳng hạn họ kiểm tra dữ liệu rất khắt khe. Rồi họ còn kiểm tra khả năng ngẫu nhiên để xem học sinh VN có được “gà bài” hay không. Thậm chí họ còn mời hai chuyên gia tiếng Việt đọc độc lập những hồ sơ mà họ yêu cầu gửi qua bằng đường chuyển phát nhanh để xem có phát hiện được biểu hiện gian dối nào không… Khi không phát hiện được một chút gian dối nào, họ mới cho phép nghiệm thu và công bố kết quả.
Như vậy, sự ngạc nhiên của hầu hết những người đã từng trải nghiệm và gắn bó với sự nghiệp GD lại không ở kết quả PISA mà ở chính những ai cố tình nghi ngờ PISA, nghi ngờ chính “con lạc, cháu hồng” của mình.
Những ai cứ cho rằng, chúng ta tự hào thái quá đã không hề quan tâm tới thái độ chừng mực đến khiêm tốn của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khi trả lời phỏng vấn của BTV Đài truyền hình Việt Nam: Trong khuôn khổ đánh giá của PISA, cái gì Việt Nam hơn các nước thì mình phải tự hào.
Từ kết quả đạt được, chúng ta có dịp nhìn nhận lại những mặt còn hạn chế nhất là chất lượng nguồn nhân lực để tiếp tục hoàn thiện”.
Đọc bài trả lời phỏng vấn mới đây của GS Nguyễn Minh Thuyết với tựa đề “Từ kết quả PISA, cẩn trọng với đánh giá cảm tính”, tôi rất tâm đắc với ý kiến mà GS Thuyết thẳng thắn nêu ra, “lâu nay, nhiều người vẫn quen nhìn nền giáo dục một cách tiêu cực”.
Hẳn những luận chứng luận cứ về kết quả của HS Việt Nam mà các kỳ thi Quốc tế GS Thuyết viện dẫn đủ để thuyết phục bất cứ ai còn thiếu niềm tin vào chính mình. Thiết nghĩ, niềm tin, đó là động lực để nhanh bước tới tương lai!
Hồng Thúy