Trò chuyện với các em học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) nhân ngày khai trường 5/9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã dành tình cảm đặc biệt với các cháu thiếu niên, nhi đồng. “Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”. Tiếp nối truyền thống đó, các thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ luôn quan tâm đặc biệt đến các cháu thiếu niên và nhi đồng.
Nhớ lại trong lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và gây khó khăn với việc dạy và học, trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp năm học mới năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã truyền cảm hứng: “Mong các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, vừa “hồng” vừa “chuyên””.
Thủ tướng cho biết, đến hôm nay, ông vẫn nhớ về những bài học đầu tiên thầy cô dạy cho mình ở ngôi trường của một vùng quê miền núi nghèo, xa xôi, thiếu thốn đủ điều, nhớ hình ảnh cha mẹ cần mẫn lo cho con học hành và tiến bộ. Những bài học và tình cảm của thầy cô hôm nay sẽ luôn là hành trang đầy ý nghĩa với các cháu sau này.
Khi đi học, các cháu sẽ được học những bài học về lòng biết ơn và tình yêu quê hương, đất nước, biết ơn cha mẹ, ông bà, thầy cô đã ngày đêm tận tụy chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng mình. Các cháu sẽ hiểu và được truyền cảm hứng từ những tấm gương sáng như anh Kim Đồng, chị Võ Thị Sáu, anh Vừ A Dính… và biết bao tấm gương của những con người Việt Nam đã làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam trên khắp thế giới.
Thủ tướng trò chuyện với các em học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) |
Các cháu hiểu được sự hy sinh của hàng triệu anh hùng liệt sĩ, thương binh, của biết bao nhiêu người đã cống hiến máu xương cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho sự phát triển phồn vinh của đất nước hòa bình, bình yên, để yêu quê hương, đất nước mình hơn, tự hào về Tổ quốc Việt Nam và cố gắng hơn trong cuộc sống.
Các cháu sẽ học được bài học về sự tử tế, trung thực và nhân ái: “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Từ đó các cháu sẽ biết yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh, không vô cảm với xã hội, biết quan tâm, chia sẻ với các bạn ở các trung tâm bảo trợ xã hội, các bạn bị bệnh tật, đồng bào gặp thiên tai, các bạn mồ côi và những hoàn cảnh không may trong xã hội…
Các cháu sẽ học được những bài học về sự cố gắng, nỗ lực, sống có hoài bão và lý tưởng, nhất là từ những tấm gương sáng trong lịch sử dân tộc như Bác Hồ kính yêu, Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ... những con người tài hoa như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, thầy giáo Chu Văn An… Và biết bao tấm gương sáng trong lịch sử và cộng đồng ngày hôm nay.
Vậy các cháu sẽ phải làm gì nhỉ?- Thủ tướng đặt câu hỏi và đưa ra gợi ý: Đó là các cháu sẽ nghe lời ông bà, cha mẹ, thầy cô, ngoan ngoãn, chăm làm, chịu khó học tập, rèn luyện để trở thành “con ngoan, trò giỏi”. Bên cạnh đó, các cháu cần chăm chỉ chăm chỉ đọc sách, học ngoại ngữ, tin học, luyện tập thể chất, nhất là các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn như bơi lội, ứng phó động đất, cháy nổ, có ý thức tham gia giao thông, bảo vệ môi trường.
Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm |
Dạy trẻ tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái
Nhấn mạnh thông điệp “Trẻ em như búp trên cành - Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, Thủ tướng cho rằng dạy dỗ và chăm sóc trẻ em là một công việc đặc biệt, đòi hỏi kiến thức, sự kiên trì, tấm lòng bao dung, nhân ái, yêu thương với con trẻ. Các thầy cô rất vất vả để dạy dỗ các cháu, bởi chăm sóc đến mấy chục cháu là công việc không đơn giản.
Nhưng chúng ta cần nỗ lực hơn nữa với phương châm “Nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để lại những dấu ấn yêu thương và tốt đẹp với các cháu. Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ.
Chúng ta dạy các cháu hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường… trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi cháu, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…
Thủ tướng mong nhà trường, thầy cô, quan tâm và thực hiện được 3 cân bằng cho các cháu, đó là học - chơi - ăn ngủ. Bữa ăn cần an toàn - khoa học - đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo sự phát triển thể chất và tinh thần cho các cháu. Cần đặc biệt quan tâm đảm bảo vệ sinh môi trường trường học, nhất là chất lượng nhà vệ sinh trường học, trồng thêm cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, mát cho các cháu.
Thủ tướng mong các bậc cha mẹ phối hợp chặt chẽ, chia sẻ với nhà trường, thầy cô để dạy dỗ và chăm sóc các cháu. Sự kết nối bằng tình yêu thương, khuyến khích là phương pháp dạy học quan trọng. Hãy cùng nhau tạo môi trường dạy dỗ, đào tạo lành mạnh, an toàn, trí tuệ cho các cháu. Khơi dậy được ý chí, khát vọng, sáng tạo, nhân ái, tích lũy tri thức để trở thành công dân toàn cầu, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chế độ, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, nâng cao thu nhập cho giáo viên. Đồng thời, quan tâm đầu tư vật chất, xây dựng các cơ sở giáo dục, nhất là ở các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.
Nhắc lại mong muốn của Bác Hồ kính yêu: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn công lao học tập của các cháu”, Thủ tướng nhắc nhở các bạn học sinh hãy cố gắng, hãy quyết tâm, hãy vượt qua mọi hoàn cảnh, hãy biết yêu thương, chia sẻ, hãy sống nhân ái, có ý thức trách nhiệm, hãy chinh phục tri thức, hãy có khát vọng để không phụ sự quan tâm, tin yêu của gia đình, thầy cô, để mai sau góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc.