Thảo luận tại nghị trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội (sáng 8/11), đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, chống dịch và duy trì phát triển kinh tế là 2 mặt trận song hành. Việc phục hồi phát triển kinh tế phụ thuộc vào phòng chống dịch.
Ngược lại nếu không có nền tảng kinh tế thì không có nguồn lực để phòng chống dịch bệnh. Theo đại biểu An, nguồn lực chi cho phòng chống dịch và an sinh xã hội đến nay đã gần 100.000 tỷ đồng, đây là con số rất lớn.
Đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng, ngân sách thời gian qua đã phải căng ra để chi cho chống dịch, do đó cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách, chống thất thu nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế, chống gian lận thương mại.
“Phấn đấu tăng thu ngân sách, nếu cần thiết thì tăng hợp lý sản lượng khai thác dầu thô khi giá dầu thế giới đang tăng” - đại biểu An đề xuất.
Bên cạnh đó, đại biểu này cho rằng cần phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thất thoát ngân sách, tài sản công. Triệt để tiết kiệm các khoản chi, tiết kiệm ngay từ khi lập, giao và thực hiện dự toán.
“Trong lúc này, chúng ta phải thực sự tiết kiệm, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Cùng với đó cần có cơ chế huy động tối đa nguồn lực trong xã hội, người dân để phục hồi kinh tế…” – đại biểu An nhấn mạnh.
Đi sâu vào các giải pháp, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp mạnh mẽ hơn để không xảy ra tình trạng đứt gãy thiết hụt lao động và chuyên gia. “Cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc một cách an toàn, không được để xảy ra tình trạng người lao động ở lại quê, người nghèo lại phải nuôi người nghèo” – đại biểu An nêu quan điểm.
Cùng với đó cần có những gói kích thích kinh tế hợp lý hỗ trợ trực tiếp hiệu quả doanh nghiệp. Doanh nghiệp là "linh hồn" của nền kinh tế, song đại biểu An cho rằng, thực tế sự quan tâm thời gian qua vẫn còn chưa đủ.
“Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng lợi nhuận các ngân hàng vẫn còn cao, chưa hài hoà với khó khăn của doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi” –đại biểu An dẫn thống kê cho thấy mới đang có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được các nguồn vốn từ ngân hàng. Còn lại 70% vẫn phải sử dụng các nguồn vốn đi vay từ các nguồn không chính thức với lãi suất cao.
Tăng tốc các gói hỗ trợ liên quan gói kích thích kinh tế, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, đợt bùng phát dịch thứ 4 để lại nhiều hậu quả nặng nề, nhiều doanh nghiệp nguy cơ phá sản, hàng triệu lao động phải hồi hương do mất việc làm.
Đại biểu Thuỷ đề nghị, Quốc hội tạo mọi điều kiện cho Chính phủ chống dịch, bên cạnh đó cần thêm chính sách đặc thù cho doanh nghiệp, người lao động trong giai đoạn hiện nay.
Chính phủ cần tăng cường triển khai các gói hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ. “Nếu triển khai chậm thì nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường cùng với nhiều việc làm bị mất đi”- đại biểu Thuỷ nhấn mạnh.
Đề nghị tăng tăng mức trần giờ làm thêm
Về giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) phản ánh ý kiến doanh nghiệp đề nghị nâng mức trần giờ làm thêm lên 400 giờ mỗi năm để có thể kịp thời bù lại các đơn hàng bị chậm cho đối tác.
“Các doanh nghiệp thiết tha mong muốn Chính phủ và Quốc hội sớm có văn bản cho việc này, bằng không doanh nghiệp sẽ lo lắng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đình chỉ sản xuất do quá giờ làm thêm” –đại biểu Thịnh nhấn mạnh.
Theo quy định hiện hành, giờ làm thêm được khống chế ở mức 40 giờ mỗi tháng và không quá 200 giờ mỗi năm. Luật chỉ mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm cho một số ngành nghề, như sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước, diêm nghiệp, điện, điện tử.