Hết tháng 6 vẫn chưa giải ngân
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP Cần Thơ. Trong 6 tháng đầu năm 2020, thành phố giải ngân chỉ đạt 18,57% kế hoạch vốn. Đây là mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước.
Theo kế hoạch năm 2020, tổng các nguồn vốn đầu tư công của TP Cần Thơ trên 6.573 tỷ đồng (tăng 30,34% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6 chỉ mới giải ngân 1.171 tỷ đồng, đạt 18,57%. Kết quả giải ngân tính theo phân cấp quản lý, thì cấp thành phố đạt rất thấp, với tỷ lệ giải ngân là 14,67%.
Ở cấp thành phố, có 24 sở, ban, ngành được giao làm chủ đầu tư 107 dự án, thì có đến 4 chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn bố trí. 7 chủ đầu tư giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn. 7 chủ đầu tư giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn. 6 chủ đầu tư giải ngân trên 30% (trong đó chỉ có 2 chủ đầu tư giải ngân trên 50%).
Đơn cử như Sở Công Thương đã bố trí kế hoạch vốn trên 52,823 tỷ đồng cho 2 dự án cấp điện nông thôn và các dự án này dự kiến hoàn thành trong năm 2020, nhưng đến hết tháng 6 vẫn chưa giải ngân. Sở Xây dựng được bố trí cho Dự án Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Ninh Kiều (180 tỷ đồng) và Dự án đầu tư xây dựng nâng chất lượng nước thải sau xử lý của Nhà máy Xử lý nước thải TP Cần Thơ (9 tỷ đồng) cũng chưa được giải ngân. Sở NN&PTNT, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ (VnSAT) đạt 3,82%; dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (19 tỷ đồng) đến nay vẫn chưa giải ngân…
Đối với các quận, huyện, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng rất thấp, chỉ đạt khoảng 27,1%. Nguồn vốn kéo dài từ năm 2019 chuyển sang đến cuối tháng 6 chỉ giải ngân đạt 12,36%.
Một số công trình trọng điểm của thành phố được bố trí nguồn vốn khá cao nhưng giải ngân thấp, phải "đói vốn". Dự án Kè sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu giải ngân 12,619/261,593 tỷ đồng, đạt 4,82% kế hoạch vốn. Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị giải ngân hơn 162,6 tỷ đồng, đạt 10,26%. Dự án Kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn giải ngân 9,12% kế hoạch vốn 133,977 tỷ đồng. Dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ giải ngân hơn 24,8/661,707 tỷ đồng, chỉ đạt 3,75%...
"Xử" nhà thầu không thực hiện đúng hợp đồng
Theo ông Nguyễn Thực Hiện, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, so với cùng kỳ năm 2019, vốn giải ngân thấp hơn 148,7 tỷ đồng và thấp hơn 13,54% tỷ lệ giải ngân. Theo thống kê của UBND TP Cần Thơ, trong 15 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, chưa bao giờ tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp như năm nay. 6 tháng đầu năm, TP Cần Thơ không bị tăng trưởng âm, tuy nhiên chỉ số GRDP chỉ tăng 1,43%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 15 năm qua.
Theo ông Hiện, đầu tư công năm 2020 đến nay chỉ giải ngân được khoảng 20%, không đáp ứng được yêu cầu theo chỉ đạo, lãnh đạo của thành phố. Nguyên nhân tiến độ giải ngân còn thấp là do trách nhiệm của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục. Đặc biệt là thủ tục đầu tư đến tháng 6 mới thực hiện công tác đấu thầu.
Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các quận, huyện và chủ đầu tư trong quá trình thẩm tra, thẩm định, kiểm tra các dự án chưa tốt. Công tác bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng trong thời gian qua còn vướng mắc. Chủ đầu tư trình lập thủ tục thẩm định giá còn chậm. Còn nhiều khiếu nại của các hộ dân về công tác bồi thường. Một số nhà thầu thi công năng lực còn yếu...
Về giải pháp, theo ông Hiện, sẽ thành lập đoàn chuyên kiểm tra các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn để thúc đẩy, đặc biệt là các công trình trọng điểm. Đối với công tác tái định cư, thành phố phân bổ vốn cho các chủ đầu tư để xây dựng khu tái định cư ở các quận, huyện nhằm giải quyết nhu cầu cho người dân. Tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết các khiếu nại về công tác bồi thường… Sở KH&ĐT sẽ rà soát, bổ sung điều khoản ràng buộc trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm hợp đồng, chậm thi công hoàn thành dự án theo tiến độ ký kết.
"Thực hiện chỉ đạo của thành phố, phải tập trung giải ngân từ nay đến cuối năm đạt kế hoạch. Sở KH&ĐT phối hợp cùng các sở, ngành rà soát tất cả các dự án. Dự án nào không có khối lượng để giải ngân thì chuyển vốn, chuyển cho các dự án, công trình có khối lượng để tăng tốc giải ngân. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư xử lý nghiêm các nhà thầu không thực hiện đúng hợp đồng hoặc trễ hạn…", ông Hiện cho biết.