Cần thiết luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu

GD&TĐ - Chiều 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Nhiều đại biểu đề nghị luật hoá quy định về xử lý nợ xấu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một trong số 9 dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Dự thảo Luật luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu của Nghị quyết 42 theo hướng kế thừa toàn bộ một số quy phạm được thực hiện hiệu quả và có tác động tích cực trong xử lý nợ xấu thời gian qua, đồng thời có chỉnh sửa một số quy phạm để đảm bảo tính phù hợp, ổn định của dự thảo luật; tạo hành lang pháp lý cho việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, giúp tối ưu hóa quy trình, nghiệp vụ, tiết kiệm chi phí, thời gian cho khách hàng và ngân hàng.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã đơn giản hoá thủ tục vay với khoản cho vay tiêu dùng, nhỏ lẻ phục vụ đời sống, tạo điều kiện để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng.

Ngoài ra cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định để khắc phục bất cập, vướng mắc liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém giúp đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng cũng như góp phần ổn định kinh tế - xã hội.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể, về điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm, đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị trong dự thảo có nội dung giao các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện nội dung này bởi hiện nay không có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu các thông tin trên dẫn đến điểm nghẽn trong thực hiện và tạo rủi ro cho các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị cần có lộ trình thực hiện phù hợp để đảm bảo không gây đứt gãy đột ngột nguồn vốn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tránh dẫn đến rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng khi có thay đổi về tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho một khách hàng…

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Đóng góp ý kiến tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong luật hiện hành; tăng cường sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, việc sửa đổi Luật cũng nhằm hạn chế sở hữu chéo; hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tạo thuận lợi với việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp, người dân.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, việc sửa đổi Luật đảm bảo người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, cần xem xét hồ sơ cấp phép và hồ sơ đăng ký kinh doanh. Nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng, trong dự án Luật cần quy định rõ về mức phí, loại phí, đặc biệt là ở vùng khó khăn...

Về ngân hàng chính sách xã hội, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội cần được quy định và điều chỉnh trong luật của các tổ chức tín dụng.

Liên quan nội dung này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị tại Điều 4 dự án Luật nên bổ sung thêm hai khái niệm quy định rõ hơn về ngân hàng Chính sách và tín dụng chính sách xã hội.

Mặt khác, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật xem xét Điều 17 nên được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định riêng cho Ngân hàng chính sách xã hội, còn sắp xếp thêm một điều khoản để cho Ngân hàng chính sách phát triển.

Đại biểu đề nghị bỏ Khoản 4, ghép với Khoản 5 và viết lại là “việc thành lập, tổ chức hoạt động, tổ chức lại, giải thể cơ chế tài chính, xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu và các nội dung khác có liên quan đến Ngân hàng chính sách xã hội do Chính phủ quy định chi tiết”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.