Can thiệp kịp thời với trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh

GD&TĐ - Ai sinh ra cũng cần một trái tim khỏe mạnh để nuôi dưỡng và duy trì hoạt động cơ thể. Nhưng may mắn đôi khi không mỉm cười với tất cả mọi người. Hàng ngày vẫn có những em bé sinh ra đã mang theo trong mình căn bệnh tim bẩm sinh. 

Can thiệp kịp thời với trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh

Đây là bệnh dễ phát hiện, có thể điều trị khỏi nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ nếu không được can thiệp kịp thời.

Sinh ra với trái tim... khuyết

Tim bẩm sinh là một trong những căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 - 12.000 trẻ sinh ra có khuyết tật liên quan đến tim cần được phát hiện và can thiệp sớm nhưng chỉ có xấp xỉ 6.000 trẻ được can thiệp kịp thời. Số còn lại phải chờ hoặc tử vong trước khi được phát hiện ra bệnh.

Bệnh tim bẩm sinh xuất hiện ngay từ khi trẻ đang phát triển trong bụng mẹ. Với kỹ thuật cũng như trình độ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hiện nay, qua siêu âm ở giai đoạn nhất định trong thai kỳ, bác sĩ có thể phát hiện những bất thường ở tim cũng như nhiều bộ phận khác trong cơ thể của trẻ.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và đôi khi là quan niệm nên nhiều sản phụ chưa được nhân viên y tế theo dõi sức khỏe suốt thai kỳ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2017, tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 14,5‰ năm 2016 xuống còn 14,4‰; Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 21,8‰ năm 2016 xuống còn 21,6‰; Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 3 lần trong 3 thai kỳ đạt 91%; Tỷ lệ phụ nữ đẻ do nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đạt 98%; Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh trong tuần đầu đạt 83%.

Dù rất nỗ lực nhưng vẫn còn tỷ lệ nhỏ sản phụ, trẻ sơ sinh chưa tiếp cận được với dịch vụ y tế. Đây là lý do khiến tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vẫn còn và không ít bé trong số này không được phát hiện sớm các bệnh bẩm sinh.

Ngoài ra, với một số trẻ, được các bác sĩ tình nguyện khám, phát hiện bệnh và tư vấn gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Nguyên nhân do phần lớn trẻ mắc bệnh về tim đều cần phẫu thuật với số tiền tương đối lớn. Thực tế cho thấy, có rất nhiều gia đình đã rơi vào cảnh bần cùng khi theo đuổi quá trình chạy chữa cho con mắc tim bẩm sinh.

Trao cơ hội cho trẻ

Những năm qua, nhiều chương trình, hoạt động thiện nguyện đã cùng chung tay, góp sức để vá trái tim khuyết cho các em. Trong ngày đầu tháng 1/2018, bé T.T.H.M sinh năm 2017 (Lục Yên, Yên Bái) mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng gia đình không có điều kiện chữa trị đã được tài trợ chi phí phẫu thuật. Một ca mổ thành công trước khi xuân về đem lại sức khỏe cho bệnh nhi, đem lại niềm vui, tiếng cười cho các thành viên trong gia đình bé.

Cũng trong thời gian này, các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đã khắc phục sai lầm tạo hóa cho hai bé mới 5 tháng tuổi và 3 tháng tuổi huyện Ba Chẽ và thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Hai bé được người nhà đưa đến viện trong tình trạng khó thở, chậm tăng cân.

Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện cả hai bị tim bẩm sinh nặng cần xử lý ngay. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương), cả hai bé được chỉ định phẫu thuật tim hở vá thông liên thất bằng phương pháp gây mê nội khí quản. Bệnh nặng, thể trạng yếu, hai trẻ trải qua 6 giờ trong phòng phẫu thuật và một thời gian dài chăm sóc đặc biệt (dinh dưỡng, phác đồ thuốc, chống nhiễm trùng) trong phòng hậu phẫu. 2 tuần sau phẫu thuật, sức khỏe hai bé ổn định, trái tim lỗi nhịp nay đã được chỉnh sửa.

Ngày ra viện của hai bé là sự kiện với gia đình, y bác sĩ của bệnh viện. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Hùng nhận định: Thành công của ca phẫu thuật không chỉ mở ra cho trẻ một chân trời mới về sức khỏe, trí tuệ mà còn là bước tiến cho việc thực hiện kỹ thuật can thiệp tim mạch tại bệnh viện địa phương. Còn với gia đình hai bé, niềm vui được nhân đôi khi bé có thể sống khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường khác và toàn bộ tiền điều trị được bệnh viện miễn phí.

Cũng theo bác sĩ Hùng, 98% bệnh nhân tim bẩm sinh có thể chữa được và trở về cuộc sống như người bình thường. Vấn đề là trẻ có được tầm soát bệnh và điều trị kịp thời không? Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức, điều kiện kinh tế của cha mẹ và gia đình bé.

Bệnh tim bẩm sinh thường tiến triển ngay từ tuần thứ 20 của thai kỳ. Vì thế, chị em nên đi khám thai thường xuyên để sớm phát hiện những bất thường của thai nhi. Với trẻ sinh ra còi cọc, khó hoặc không khóc khi chào đời, chậm phát triển so với bạn cùng trang lứa... nên đi khám để tầm soát bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.