Cần thêm cơ chế hợp tác với doanh nghiệp

GD&TĐ - Là một địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực trong đào tạo nghề gắn với thị trường lao động. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn một số hạn chế khi các doanh nghiệp chưa chủ động liên hệ, gắn kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác đào tạo.

Hợp tác đào tạo nghề với doanh nghiệp là hướng đi tất yếu của các trường
Hợp tác đào tạo nghề với doanh nghiệp là hướng đi tất yếu của các trường

Thiếu lao động chuyên môn

Ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết: May mặc hiện đang là một ngành rất thiếu nhân lực, nhiều doanh nghiệp đã phải tuyển dụng nhân lực không có trình độ chuyên môn, hoặc lao động có kỹ năng được đào tạo trái ngành.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 89 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 11 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 29 trung tâm GDNN-GDTX và 31 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với quy mô đào tạo được cấp là 59.106 người. Trong giai đoạn 2012 - 2017, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được 220.450 người. 

Với quy mô đào tạo và thực tế hoạt động trong thời gian qua, công tác dạy nghề ở Thanh Hóa đã từng bước chuyển đổi theo hướng tiếp cận sát với nhu cầu thị trường lao động, gắn với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác.

Theo ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa: Thời gian qua, đã có chuyển biến tích cực của người lao động về học nghề. Số học sinh đăng ký học nghề ngày càng tăng, kỹ năng nghề được nâng cao. Về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động của tỉnh, nhất là trình độ CĐ, TC với nhóm nghề kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh, công nghệ ô tô, cơ khí, điện, du lịch, khách sạn…

Tuy nhiên, GDNN tại Thanh Hóa hiện vẫn còn khá nhiều khó khăn, hạn chế như: Đa số các hoạt động doanh nghiệp chưa thực hiện cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của doanh nghiệp theo ngành, nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm. Các doanh nghiệp chưa chủ động liên kết phối hợp với cơ sở GDNN trong việc xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo. Một số ngành nghề doanh nghiệp cần tuyển dụng nhưng cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh chưa đào tạo như công nghệ dầu khí và khai thác, lọc hóa dầu…

Đảm bảo những kỹ năng cần thiết

Thúc đẩy gắn kết cơ sở GDNN với doanh nghiệp, thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường CĐN Công nghiệp Thanh Hóa cho rằng: Cần hoàn thiện hành lang pháp lý quy định trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cơ sở GDNN trong hợp tác đào tạo.

Doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở GDNN trong việc tiếp cận công nghệ mới, hỗ trợ học sinh sinh viên thực tập tại doanh nghiệp để các em có được những kỹ năng nghề mà doanh nghiệp cần đến. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong hợp tác đào tạo nghề, tham gia và xây dựng chương trình đào tạo, đặt ra những yêu cầu về kỹ năng nghề. Cùng giám sát, kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo của cơ sở GDNN.

Về vấn đề khắc phục những hạn chế, ông Trịnh Ngọc Dũng cho rằng: Cần xây dựng và củng cố mối liên kế hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các nội dung về chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, doanh nghiệp cử cán bộ kỹ thuật tham gia giảng dạy và hỗ trợ thực tập, thực hành trên máy móc, thiết bị sản xuất của doanh nghiệp. Hợp tác cho học sinh, sinh viên vừa học vừa làm tại doanh nghiệp, đặt hàng đào tạo…

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực, cơ cấu ngành nghe, qua đó tránh tình trạng đào tạo không đúng nhu cầu của doanh nghiệp dẫn tới người học nghề không có việc làm theo đúng nghề đào tạo. Yêu cầu đối với người lao động sau khi được đào tạo phải đảm bảo 3 kỹ năng gồm: Kỹ năng nghề, ngoại ngữ và tin học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.