(GD&TĐ)-Sáng 24/3, tại TP Phan Rang-Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận, Hội nghị giao ban lần thứ II vùng thi đua số 5 đã được tổ chức. Đến dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT GS.TSKH Bùi Văn Ga, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục cùng đại diện của 7 Sở GD-ĐT khu vực Đông Nam Bộ. Ngoài hoạt động tổng kết những việc đã làm được trong học kỳ I năm học 2011-2012, nhiều vấn đề “nóng” về giáo dục của khu vực đã được đưa ra mổ xẻ để tìm hướng tháo gỡ.
Chuyển biến mạnh mẽ nhiều mặt
Các đại biểu dự Hội nghị giao ban |
Giáo dục khu vực Đông Nam Bộ-vùng thi đua số 5 nhiều năm nay vẫn được xem là một trong những vùng thi đua phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức trong việc phát triển bền vững giáo dục. 3/7 tỉnh (Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh) ngoài khó khăn chung về địa lý, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt thì sự phát triển của kinh tế xã hội vẫn ở mức thấp so với các địa phương còn lại. Tỉ lệ nghỉ bỏ học của học sinh, cơ sở vật chất vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên (bậc MN và TH)…
Tuy nhiên, bằng những chính sách hợp lý, sự đầu tư mang tính chiến, giáo dục Đông Nam bộ đã có những chuyển biến hết sức rõ nét. Tỉ lệ học sinh nghỉ bỏ học đã được kéo giảm xuống mức 0,3% . Công tác quản lý dạy thêm học thêm, công tác phổ cập, chống mù chữ, công tác chăm lo hỗ trợ cho học sinh dân tộc, hỗ trợ giáo viên MN được coi là những thành tích nổi bật.
Hiện nay tỉnh Ninh Thuận đã chuyển đổi được 5 trường từ bình thường sang mô hình bán trú, sắp tới sẽ chuyển đổi tiếp 4 trường để duy trì tỉ lệ học sinh đến lớp, kéo giảm tình trạng học sinh nghỉ bỏ học. Ngành giáo dục Bình Dương đã tham mưu với UBND tỉnh trích kinh phí ngân sách địa phương trên 12 tỉ đồng/năm để hỗ trợ 35% mức lương đang được hưởng cho đội ngũ bảo mẫu, hỗ trợ từ 500-600 ngàn/tháng cho đội ngũ nhân viên bảo vệ, phục vụ, hỗ trợ tiền ăn 120 ngàn/cháu/tháng cho trẻ 5 tuổi, miễn giảm học phí từ 30-120 ngàn đồng/tháng/cháu, hỗ trợ chi phí học tập 70 ngàn đồng/cháu/tháng cho trẻ có cha mẹ thường trú trên địa bàn 29 xã khó khăn…
Công tác đầu tư về cơ sở vật chất, trường lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ đã kịp thời hơn so với năm học trường. Số lượng trường lớp mới được đưa vào sử dụng tại 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương năm học vừa qua là khá nhiều, phần nào giải tỏa được những áp lực về chỗ học, chất lượng giáo dục vì vậy cũng đã được nâng lên khi tỉ lệ học sinh khá giỏi các cấp đều tăng. Bậc TH tỉ lệ học sinh khá giỏi môn Tiếng Việt đạt từ 69,80% (tỉnh Ninh Thuận) cho đến 97,15% (tỉnh Bình Thuận), môn Toán là 72,99% (tỉnh Bình Phước) đến 80,22% (tỉnh Tây Ninh). Bậc THCS là 37,23% (tỉnh Bình Phước) cho đến 46,74% (tỉnh Đồng Nai)…Điều đó cho thấy, sự gia tăng mang tính đồng đều và có lộ trình bền vững hơn trước.
Những vấn đề nóng cần tháo gỡ
Dù đã tích cực triển khai với nhiều hướng hỗ trợ mang tính quyết liệt từ địa phương (như Bình Dương, Bình Phước) nhưng đến thời điểm này chưa có một đơn vị nào của khu vực đăng ký hoàn thành công tác phổ cập MN 5 tuổi trước năm 2015. Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu minh chứng: Tuy ít nhiều được xem là tỉnh có điều kiện thuận lợi hơn 7 tỉnh trong vùng, nhưng công tác kiện toàn cơ sở vật chất, trường lớp, kiện toàn đội ngũ giáo viên cho đề án phổ cập MN 5 tuổi của tỉnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Không ít dự án xây dựng trường lớp bị tắc lại bởi Nghị quyết 11-NQ/CP.
Ông Phan Văn Lợi, Chủ tịch Công đoàn ngành Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai cũng chỉ rõ hơn cái khó của các địa phương trong việc kiện toàn hệ thống trường lớp. Ông kiến nghị: Bộ cần phải nắm rõ hơn nữa những khó khăn của từng địa phương trong việc thực hiện Nghị định 11, để sớm có hướng tháo gỡ giúp các địa phương. Cụ thể ở tỉnh Đồng Nai năm 2011, 29 công trình xây dựng trường lớp của Đồng Nai đang khởi công hoặc xây dựng dở dang đều phải ngưng hoàn toàn, khiến cho địa phương hết sức khó khăn. Sau khi báo chí lên tiếng phản ánh, UBND tỉnh có kiến nghị quyết liệt (với những công trình trường học) chúng tôi mới có vốn để triển khai tiếp, nhưng tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng vẫn bị trễ, khiến bài toán quá tải vẫn bị vướng.
NGƯT Đổng Ngọc Lập, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Bộ cần có kế hoạch cụ thể về đào tạo, nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh trong hè cho các đơn vị, phải có văn bản hướng dẫn về nguồn chi hay công tác thực hiện, đưa giáo viên bồi dưỡng nghiệp vụ ra sao để các địa phương thực hiện. Bởi nếu không có văn bản, kế hoạch cụ thể các địa phương rất khó triển khai hoặc xây dựng đề án trình với UBND tỉnh. Tây Ninh đã thực hiện việc khảo sát năng lực giáo viên dạy tiếng Anh nhưng không ai đạt chuẩn C2, giáo viên đạt chuẩn B2 cũng rất ít (hơn 50%) vì thế, Bộ cần có kế hoạch cụ thể, có chỉ đạo quyết liệt với các trường sư phạm để họ có hướng đào tạo, xiết chặt hơn đầu ra của SV, làm sao đạt chuẩn yêu cầu, chứ thực tế hiện nay cho thấy số lượng SV tốt nghiệp cũng rất yếu sau khi ra trường.
Ông Huỳnh Công Khanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Phước cho rằng: Bộ cần phải có hướng dẫn, để giúp cho các địa phương hiểu và dễ triển khai hơn việc nâng cao trình độ theo chuẩn cho giáo viên. Bởi chúng tôi có thể xây dựng đề án, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên để trình UBND tỉnh. Nhưng cần phải biết rõ việc cho đội ngũ giáo viên học ở đâu? Học ở nước ngoài như thế nào? Chi phí ra sao… Vì trong thực tế chúng tôi đã xây dựng đề án nhưng khi UBND tỉnh kêu giải thích về tổng nguồn kinh phí dự trù, chúng tôi không thể trả lời.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga ghi nhận những cố gắng của 7 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ trong việc kéo giảm tỉ lệ học sinh nghỉ bỏ học, giữ vững công tác phổ cập THCS và công tác chăm lo cho học sinh dân tộc. Thứ trưởng tin tưởng rằng, các địa phương sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học, đồng thời sớm có những tháo gỡ để thực hiện tốt công tác phổ cập MN 5 tuổi. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Những kiến nghị chính đáng của các Sở trong vùng về một số vấn đề như trường, lớp đội ngũ giáo viên cho bậc học MN, công tác bồi dưỡng, nâng chuẩn cho giáo viên tiếng Anh…Bộ ghi nhận và sẽ sớm cùng các Sở tháo gỡ.
Anh Tú