Điều này không chỉ mang lại lo lắng cho người dân quanh vùng dự án mà còn “vấp” phải sự không đồng thuận từ chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa bởi nó có nguy cơ sẽ phá vỡ đi nhiều giá trị văn hóa linh thiêng của cộng đồng.
Trước thông tin Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường sẽ xây dựng siêu dự án lên tới 1.000 ha tại danh thắng chùa Hương vốn được coi là một trong những trung tâm văn hóa Phật giáo, tín ngưỡng của cả nước, một số nhà nghiên cứu văn hóa đã có những ý kiến cho rằng việc xây dựng các công trình mới trong các không gian văn hóa đã ăn sâu vào trong tiềm thức cộng đồng phải được xem xét kỹ. Đồng thời phải chú trọng tới tôn tạo và tu bổ di tích chứ nhất định không được phá đi để làm to hơn vì như vậy là phản văn hóa.
GS.TS Bùi Quang Thanh, nghiên cứu viên cao cấp - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, ý tưởng về siêu dự án tâm linh của Doanh nghiệp Xuân Trường đưa ra là không hợp lý.
Chùa Hương đã có sự gắn kết giữa tín ngưỡng dân gian bản địa với Phật giáo, nó đã có sự hài hòa. Tín ngưỡng dân gian bản địa chính là cái gốc Việt - Mường ở đó. Phật giáo, Đạo giáo vốn là ngoại lai khi vào Việt Nam đầu Công nguyên đã phải dung hòa với tín ngưỡng để có sức lan tỏa cho tới tận ngày nay khi trải qua những va đập giữa tín ngưỡng và tôn giáo.
Chính vì vậy, nếu Xuân Trường xây một cái tháp Phật Xá Lị to hơn 100m mang đẳng cấp quốc tế là đề cao Phật giáo và không quan tâm đến tín ngưỡng. Nhìn trên bình diện khu vực Hương Tích nó đã có sự cân đối hài hòa hàng trăm năm nay để đáp ứng nhu cầu tâm linh, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng người dân các dân tộc.
Nếu Xuân Trường tôn tạo một công trình Phật giáo hoành tráng thì tạo ra độ vênh với tín ngưỡng bản địa. Độ vênh đó dễ dẫn đến một suy luận, khi khách du lịch quốc tế đến sẽ đánh giá rằng Phật giáo ở đây được đề cao hơn. Như vậy là va chạm đến lòng tự trọng của người dân bản địa, vi phạm đến tín ngưỡng của cộng đồng người dân. Tất nhiên người dân sẽ có những phản ứng.
Nêu quan điểm về đề xuất nạo vét dòng chảy Suối Yến, GS Thanh cho rằng, nếu hiện đại hóa, hoành tráng hóa môi trường sinh thái lên, điều đó là không nên.
Bởi Suối Yến đã gắn bó với không gian văn hóa Hương Tích từ bao đời. Cải tạo lại sẽ làm phá vỡ cảnh quan đã ăn sâu vào tâm thức của người dân, gắn với cảnh quan không gian văn hóa tín ngưỡng, mà đó là không gian văn hóa thiêng. Vì vậy chắc chắn có sự tác động đến nhận thức của người dân và người dân sẽ không đồng tình. Người dân sẽ cảm thấy tâm linh bị vi phạm.
Bên cạnh đó, có chuyên gia văn hóa còn cho rằng Suối Yến không đơn thuần là con suối để chứa nước, nhìn nhận dưới góc độ phong thủy học thì lâu nay trong tiềm thức của người dân luôn coi đây như một long mạch linh thiêng mang lại phồn thịnh và bình yên.
Về mặt tâm linh bao đời nay người dân tin như thế, nếu làm như thế sẽ tác động đến môi sinh văn hóa, sinh kế ở đây và quyền chủ sở hữu cộng đồng đã bị ảnh hưởng. Người dân là chủ thể văn hóa sáng tạo văn hóa, bảo vệ văn hóa. Nếu lấy sức mạnh của đồng tiền, lấy các thế lực khác… tác động vào để thay đổi toàn bộ bộ mặt cảnh đi là thay đổi văn hóa.
Nên chăng đưa ra một ý tưởng là nên lấy ý kiến cộng đồng, không nên lấy sức mạnh của chính quyền dưới góc độ quản lý Nhà nước để ép người dân phải làm theo.
Tâm linh là một cộng đồng, cho nên phải có một cuộc điều tra xã hội học, đưa lên mạng xã hội xem cộng đồng có đồng ý với phương án phá cảnh quan cũ đi, làm một cái mới hoành tráng hơn nên không.
“Trước khi Xuân Trường đề xuất đề án này thì Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể, Thủ tướng đã phê duyệt, cần xem có phù hợp hay không. Trên cơ sở Thủ tướng phê duyệt không phải chỉ có một Xuân Trường mà còn rất nhiều doanh nghiệp khác đã có quy hoạch mà đã được phê duyệt. Nếu quy hoạch đề án chồng đề án, đó là điều tối kỵ, tôi cho rằng đó là bất hợp lý và sinh ra mâu thuẫn, nếu được của Xuân Trường thì sẽ thiệt hại cho các doanh nghiệp khác vô hình chung tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp khác muốn đầu tư vào đó sẽ sợ không dám đầu tư nữa. Trong khi quan điểm của Thủ tướng là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, làm sao để đáp ứng đầu tư để phát triển kinh tế, văn hóa, nhưng phù hợp với pháp luật và đời sống thực tiễn của cộng đồng Việt Nam”, GS Thanh nêu ý kiến.
Trùng tu, tôn tạo di tích là việc làm hết sức cần thiết góp phần bảo vệ những giá trị văn hóa quý báu. Tuy nhiên, việc làm này phải nhận được sự đồng lòng, hài hòa giữa các giá trị kinh tế, văn hóa của cộng đồng.
Vì vậy, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và các bộ, ngành cần xem xét thật kỹ lưỡng nhiều yếu tố, tránh những hệ lụy không đáng có khi triển khai dự án.