(GD&TĐ) - Năm học mới sắp bắt đầu, các bậc phụ huynh đang chuẩn bị cho con em mình những bộ sách, vở và đồ dùng thiết yếu trong học tập. Ngoài sách giáo khoa và dụng cụ học tập, sách tham khảo được nhiều phụ huynh quan tâm. Song, trên các sạp sách, sách tham khảo dành cho học sinh ở mọi cấp học quá nhiều, rất khó để chọn lựa những cuốn sách phù hợp.
“Mê trận” sách tham khảo
Dạo quanh một số điểm bán sách giáo khoa (SGK) như Nhà sách Trí Tuệ, Giảng Võ, Nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Xuân Thuỷ, Hà Nội), Nhà sách Tiền Phong (Nguyễn Thái Học)... có thể thấy sách tham khảo (STK) chiếm một số lượng lớn trong các loại sách được bày bán cho học sinh. Hầu hết các loại STK đều có giá cao hơn so với SGK thông thường. Trước kia STK chủ yếu dành cho học sinh cuối THCS và THPT để ôn thi cuối cấp và vào đại học. Nhưng hiện nay STK có đủ ở mọi cấp học, ngay cả đối với học sinh cấp tiểu học cũng có nhiều loại STK.
Sự đa dạng và phong phú của thị trường STK giúp cho phụ huynh, học sinh có thêm nhiều sự lựa chọn. Không những mẫu mã đẹp mà những cái tên cũng rất hấp dẫn như: Bài tập bổ trợ và nâng cao, Bài tập trắc nghiệm; Toán năng khiếu; Hướng dẫn học tốt; Để học tốt; Giải bài tập; Rèn khả năng tự học; Bồi dưỡng trí thông minh... rất cuốn hút. Tuy nhiên sự phong phú đa dạng ấy khiến nhiều phụ huynh, học sinh không biết phải lựa chọn như thế nào cho phù hợp. Chỉ lớp 2 thôi cũng có hàng chục đầu STK như: “Toán nâng cao lớp 2”; “Toán chọn lọc 2”; “Tuyển tập các bài toán hay và khó”; “Bài tập toán nâng cao”; “Bồi dưỡng toán nâng cao lớp 2 cho học sinh khá giỏi”; “Toán phát triển trí thông minh”; “Em học giỏi Toán”; “Mẹ và bé cùng học Toán”; “Các bài Toán hay”...
Về nội dung, phần lớn các cuốn sách làm sâu, làm kỹ cho từng chương, nhóm chương để học sinh đọc thêm, đó là điều đáng mừng cho học sinh. Tuy nhiên, vì Nhà xuất bản (NXB) nào cũng cho ra lò những cuốn sách cùng chủ đề rất hẹp và có thể cùng nguồn tham khảo nên rất khó tránh khỏi trùng lặp. Mặt khác, với hàng loạt NXB và một “rừng” tác giả mà học sinh khó biết họ là ai, không biết các em sẽ lựa chọn theo tiêu chí nào khi tên cuốn sách nào cũng hay, cũng quan trọng? Không như SGK được kiểm soát khá chặt chẽ, các loại STK hầu như vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Phụ huynh và học sinh đều loay hoay chọn sách tham khảo |
Chọn mua như thế nào cho hiệu quả?
Qua một hồi lựa chọn, xem gần chục đầu sách ở các nhà sách, chị Nguyễn Thị Kim Dung (phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) mới mua được cho con mình những cuốn STK cho 2 môn Tiếng Việt, Toán. Chị Dung cho biết: “Năm học trước, tôi đã mua cho cháu rất nhiều STK, sau 1 năm học, cháu chỉ sử dụng một số cuốn, còn lại trong cùng một môn học thì nhiều STK có nội dung na ná nhau, cháu chỉ đọc qua rồi không dùng đến. Năm nay, để tránh lãng phí, tôi thấy chỉ cần mua một vài cuốn cơ bản, cháu học tốt SGK, luyện tập nhiều cho vững kiến thức là đạt yêu cầu rồi”.
Cô Nguyễn Thu Hoà, giáo viên Văn Trường THCS Thịnh Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết: “STK nào cũng bổ ích, nhưng muốn sử dụng hiệu quả học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản. Theo kinh nghiệm của tôi, học sinh nên mua các loại STK của NXB Giáo dục vì các sách này được biên soạn bởi những người có chuyên môn tốt, có sự chỉnh lý phù hợp với chương trình mới của Bộ GD&ĐT”.
STK như một con dao hai lưỡi, nó rất bổ ích đối với những học sinh khá giỏi, giúp cho các em nâng cao kiến thức đã được học. Còn đối với những học sinh có học lực trung bình và yếu, kiến thức cơ bản trong SGK nắm chưa vững, khi đọc các STK chỉ làm các em mất phương hướng, chán nản hoặc lệ thuộc vào STK. Đối với các môn xã hội, nhất là môn Văn, hiện đang tràn ngập sách các bài văn mẫu, học sinh chỉ việc chép theo...
Theo các nhà chuyên môn, đầu năm học mới, các bậc phụ huynh và học sinh chỉ nên mua SGK, còn các loại STK khác thì giáo viên bộ môn sẽ hướng dẫn nên mua những STK nào thật sự cần thiết. Đồng thời, các em học sinh cũng nên cân nhắc nhu cầu học tập của mình để chọn mua và sử dụng STK một cách hiệu quả nhất.
Đăng Huyền