Cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo một cách trọng tâm
Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục ban hành các gói hỗ trợ theo hướng có trọng tâm trọng điểm. Đại biểu Trần Thị Vân đề xuất một số giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Chỉ khi “đầu tàu” khoẻ mạnh thì mới đủ sức kéo nền kinh tế vượt qua khó khăn trước mắt, phát triển ổn định và bền vững.
Tuy nhiên, dù chính sách hỗ trợ là cần thiết và cấp thiết nhưng nguồn ngân sách là hữu hạn. Do đó cần rút kinh nghiệm bài học của gói hỗ trợ lãi suất 4% kích thích kinh tế sau khủng hoảng năm 2009 có quy mô lên tới 1 tỷ USD cách đây 12 năm đã khiến cho hệ thống ngân hàng gặp không ít khó khăn vì nợ xấu, mà chỉ đến khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu thì những khó khăn này mới được giải quyết.
Để các tổ chức tín dụng phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng được nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh, Chính phủ cần có 1 bộ phận hoặc tổ công tác giúp Thủ tướng theo dõi, tổng hợp, đánh giá, điều phối và giám sát các gói hỗ trợ và để đảm bảo các gói hỗ trợ này được thực hiện hiệu quả và đúng mục đích.
Việt Nam hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể với 9 triệu lao động, chiếm 16,5% số lao động, đóng góp gần 30% GDP của cả nước. Có thể nói hộ kinh doanh bao gồm những cá nhân, tập thể nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế. Với 80% hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ thì đây là khu vực kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Theo đại biểu Trần Thị Vân, Chính phủ cần ban hành những chính sách về vốn cụ thể và kịp thời để hỗ trợ đối tượng này. Có thể gộp chung hộ kinh doanh với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc có chính sách riêng với đối tượng này, gắn với chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm qua Ngân hàng chính sách xã hội theo Nghị định 61/2015 và Nghị định 74/2019 của Chính phủ,. Theo đó thời gian vay tối đa là 120 tháng, lãi suất bằng lãi suất vay của hộ cận nghèo. Mức vay tối đa đối với doanh nghiệp nhỏ và các cơ sở kinh doanh là 2 tỷ đồng, trong đó mức dưới 100 triệu đối với người lao động thì không cần tài sản đảm bảo.
Để tránh chính sách khi ban hành không gây lãng phí nguồn lực và không hiệu quả, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện và triển khai chương trình phục hồi kinh tế. Trong đó quan tâm các chính sách vốn vay ưu đãi đối với các hộ kinh doanh cá thể, người lao động hồi hương, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Các chính sách này cần được triển khai càng sớm càng tốt góp phần tạo công ăn việc làm, hỗ trợ sinh kế, đồng thời hạn chế nạn tín dụng đen đang diễn biến phức tạp gây mất an ninh trật tự tại các địa phương.
Thứ hai, bên cạnh các chính sách tài khoá thì cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục vừa khích lệ, vừa bảo vệ và tạo điều kiện mọi mặt cho doanh nghiệp phục hồi.
Thứ ba, cần có chính sách ổn định thị trường, tập trung vào mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu mới, có tiềm năng tại các khu vực Châu Phi, châu Mỹ latinh, Trung Đông và Ấn Độ, giảm bớt sự phụ thuộc, hạn chế được rủi ro trước những biến động thị trường cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị khu vực và thế giới.
Cần tập trung nguồn lực chống dịch và khôi phục kinh tế
Đại biểu Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hoá) nhận định, chỉ tính riêng các gói hỗ trợ cho an sinh và người lao động nhà nước đã chi hàng trăm nghìn tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh cũng bị đứt gãy. Nhiều doanh nghiệp khó khăn về tài chính phải tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể.
Thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề, tác động ảnh hưởng đến 30 triệu người. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam quý III đã giảm khoảng 3,5 triệu lao động.
Trong đại dịch cũng đã xuất hiện tình trạng tụ tập đông người, gây áp lực cho chính quyền, lực lượng chức năng, tội phạm hoạt động thủ đoạn tinh vi hơn, nhất là những tội phạm trên không gian mạng.
“Hiện tại cử tri và nhân dân rất quan tâm hai việc là phòng, chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế, phục hồi kinh tế - xã hội” - Đại biểu Vũ Xuân Hùng nói.
Theo đại diện đoàn Thanh Hóa, cần chủ động công tác nắm và dự báo, đánh giá tình hình sát thực tiễn trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, tránh tư tưởng nóng vội, chủ quan. Điều kiện tiên quyết là phải bao phủ vắc xin cho người dân, áp dụng biện pháp 5K, triệt để áp dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch.
Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu xây dựng chiến lược tổng thể để thích ứng linh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội, mở cửa nhưng phải kiểm soát được dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát lại.
Cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, kể cả phòng, chống dịch và thích ứng, phục hồi phát triển kinh tế. Ví dụ như các nước có độ bao phủ vắc xin cao, kiểm soát nghiêm ngặt dịch bệnh và chung sống an toàn thì kinh tế phục hồi nhanh. Theo dự báo năm 2021, kinh tế thế giới tăng trưởng 6%, như Trung Quốc tăng trưởng 8%, mà Việt Nam chúng ta dự báo tăng trưởng 3%, nhưng trong điều kiện quý IV phải đạt trên 8%.
“Vì vậy, cần tập trung nguồn lực cho cả công tác phòng, chống dịch, kích thích phục hồi kinh tế, chính sách an sinh xã hội và phải có mục tiêu, lộ trình cụ thể như tiếp tục thực hiện bao phủ vắc xin cho người dân, kể cả trẻ em. Nghiên cứu thuốc điều trị để ổn định tâm lý cho người dân nếu dịch bùng phát lại. Cùng với hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, tăng khả năng tiếp cận y tế của người dân qua đợt bùng phát dịch vừa qua” – đại biểu Vũ Xuân Hùng nhấn mạnh.