Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết điều này tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (3/11).
Về vấn đề sách giáo khoa, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Chính phủ đã kết luận là thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 51 của Quốc hội ban hành ngày 21/11/2017.
Nghị quyết ghi rõ, thời gian thực hiện chương trình sách giáo khoa mới là năm 2020 – 2021 đối với lớp đầu tiên của cấp Tiểu học; năm 2021 – 2022 đối với lớp đầu cấp của THCS và 2022- 2023 là lớp đầu tiên của cấp THPT.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết 51 của Quốc hội.
Về kỳ thi THPT quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thông tin: Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD&ĐT khắc phục những khó khăn, hạn chế, tồn tại của Kỳ thi THPT quốc gia 2018 để thực hiện tốt cho năm 2019.
Về phía Bộ đã đệ trình theo tinh thần tổ chức kỳ thi phải đảm bảo giảm áp lực, giảm khó khăn đối với người học, đảm bảo đánh giá đúng năng lực của học sinh và làm căn cứ để xét tốt nghệp THPT đối với học sinh. Đồng thời có độ phân hóa nhất định để có cơ sở xét tuyển vào đại học trên tinh thần là tự chủ trong tuyển sinh.
Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra 3 nhóm giải pháp khắc phục về vấn đề này:
Thứ nhất, là giải pháp về ngân hàng đề thi. Theo đó, đề thi phải phù hợp, có sự phân hóa để vừa đánh giá được năng lực học, vừa có độ phân hóa để có thể lựa chọn được thí sinh tốt vào các trường đại học, cao đẳng. Như vậy giải pháp đầu tiên là phải làm tốt ngân hàng đề thi.
Thứ hai: Giải pháp về công nghệ. Đó là khắc phục phần mềm để đảm bảo bảo mật trong quá trình chấm thi được tốt hơn.
Thứ 3: Giải pháp về kỹ thuật trong coi thi, cấm thi nhằm đảm bảo an toàn, minh bạch.
Như vậy, Bộ GD&ĐT đã xây dựng 3 nhóm giải pháp để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các địa phương để cùng giúp cho giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ này.