Cần có giải pháp cho căn bệnh ‘sợ trách nhiệm’

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh), cần có giải pháp cho căn bệnh ‘sợ trách nhiệm’.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh): Cần có giải pháp cho căn bệnh “sợ trách nhiệm”.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh): Cần có giải pháp cho căn bệnh “sợ trách nhiệm”.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cho rằng vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định cần sớm khắc phục như trong báo cáo của Chính phủ.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn đặc biệt quan tâm đến nội dung hạn chế về một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển của đất nước.

Đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế đã nêu trong báo cáo, đại biểu đặt câu hỏi tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện?

Không những thế, tình trạng này còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư. Do vậy, cần phải xác định nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả.

Chúng ta cần phân hóa, phân định bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của nhóm cán bộ ấy. Có như vậy mới tìm ra được giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Từ thực tiễn phản ánh, ĐBQH Đoàn Trà Vinh cho rằng, có 2 nhóm cán bộ: Một là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai và không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là, những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Đại biểu đã phân tích, nhóm cán bộ đùn đẩy trách nhiệm vì không có lợi ích riêng có thể khắc phục được ngay. Vì từ trước đến nay, trong bất kỳ thời điểm nào hay bất kỳ cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như thế. Vấn đề là đơn vị đó có nhận diện được hay không và xử lý thế nào.

"Tôi cho rằng, ngay trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng thì giải pháp cấp thiết là ưu tiên thay thế những cán bộ đó bằng những cán bộ tốt, những người có đủ tâm huyết và trách nhiệm. Chúng ta không thiếu những cán bộ tốt", đại biểu Trần Quốc Tuấn nói.

Về nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, đại biểu cho biết, nhóm này chiếm số đông, là trở lực gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Họ lo sợ vi phạm vì xuất phát từ hai nguyên nhân chính.

Nguyên nhân thứ nhất là một số văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản dưới luật còn thiếu đồng nhất, khó thực hiện.

Nguyên nhân thứ hai là công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được triển khai quyết liệt, ngày càng hiệu quả.

Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước, đến nay được phát hiện, xử lý hình sự. Chính từ những vụ án này làm cho cán bộ lo sợ vì họ từng làm những công việc tương tự vào những thời điểm trước đây.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể triển khai thực hiện được ngay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ