Cần quy định rõ chính sách tuyển dụng, đãi ngộ nhà giáo trong Luật

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Đinh Thị Bình đóng góp ý kiến
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Đinh Thị Bình đóng góp ý kiến

Đó là góp ý của Đại biểu Đinh Thị Bình (Phú Thọ) về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Đại biểu Đinh Thị Bình cho biết: không phủ nhận những phân tích về những hạn chế của chính sách miễn học phí trước đây và những ưu điểm của chính sách tín dụng sư phạm mà Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa và Giáo dục đã nêu ra;  song, học phí chưa phải là vấn đề căn bản, cốt lõi khiến cho ngành sư phạm trong thời gian qua không thu hút được học sinh giỏi.

Vấn đề căn bản là ở việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, là ở chất lượng đào tạo và đặc biệt là chính sách tuyển dụng gắn với chế độ thỏa đáng cho giáo viên, đó mới thực sự là “thỏi nam châm” để thu hút các em học sinh giỏi đến với nghề dạy học.

Bởi vậy, tôi mong rằng bên cạnh những thay đổi về chính sách học phí như dự thảo luật đã quy định, cần tiếp tục nghiên cứu những vấn đề liên quan đến đào tạo sư phạm, chính sách tuyển dụng và đãi ngộ với nhà giáo mới có thể tạo động lực để sự nghiệp GD&ĐT của nước nhà đạt được những thành công như kỳ vọng của Đảng, của cử tri và nhân dân cả nước.

Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) dẫn dự thảo Luật quy định về chính sách đối với giáo dục và nhà giáo: "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển"; nhà giáo "giữ vị thế quan trọng trong xã hội và có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, được xã hội tôn vinh".

Tuy nhiên, theo Đại biểu này, trong dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể để thể chế hóa những ưu đãi, chính sách cho giáo dục, giáo viên nhằm giải quyết những bất cập hiện nay.

Từ đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần tổng hợp lại các chính sách đã có, phân tích, đánh giá những điểm tích cực, hạn chế, qua đó cụ thể hóa trong Luật các nội dung ưu đãi trong đầu tư giáo dục cho từng cấp học, từng loại hình giáo dục, các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng, tiền lương, đãi ngộ, chế độ làm việc cho giáo viên.

Liên quan đến nhà giáo, Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung liên quan đến Điều 70 trong dự thảo Luật như sau:

Khoản 1 bổ sung cụm từ "quản lý giáo dục", cụ thể: nhà giáo là người làm nhiệm vụ quản lý, giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác và trong các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Khoản 3 bổ sung cụm từ "làm quản lý trong các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học gọi là cán bộ quản lý giáo dục". Ở khoản này, nên viết lại thành "nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, nghề nghiệp, trình độ sơ cấp, trung cấp và cơ sở giáo dục khác gọi là giáo viên, nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng gọi là giảng viên, nhà giáo làm quản lý trong các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học gọi là cán bộ quản lý giáo dục".

Quy định như trên, theo Đại biểu Thạch Phước Bình, sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc tại Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và thu hút giáo viên giỏi làm công tác quản lý giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.