Hiệu quả tích cực
Những năm qua, các tỉnh, thành trên cả nước đã tích cực hoàn thành dồn điền, đổi thửa, tạo ra những vùng sản xuất lớn theo hướng tập trung, chuyên canh cao, đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Theo Bộ NN&PTNT, riêng vụ hè thu, vụ mùa vừa qua, các tỉnh phía Bắc đã xây dựng được 859 mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 42.334ha, tăng so với cùng kỳ khoảng 2.674ha.
Một số địa phương đã tích cực phát triển mô hình, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia như: Thanh Hoá, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong trồng trọt nói chung và sản xuất lúa nói riêng.
Theo đại diện Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, trong những năm qua, chương trình sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao của Hà Nội triển khai đã đáp ứng các tiêu chí về xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Qua thực hiện chương trình, đến nay Hà Nội đã xây dựng được 120 mô hình cánh đồng mẫu lớn quy mô 100ha - 150ha. Chương trình đã tạo sự lan toả rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng lúa.
Đến nay, các mô hình này đã và đang phát triển một cách bền vững. An Giang cũng là tỉnh tiên phong thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn. Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn đã hạ giá thành sản xuất lúa còn khoảng 700đồng/kg (tuỳ thời điểm từng năm). Đặc biệt, chi phí giống, nhân công giảm đáng kể. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, với diện tích tham gia mô hình hằng năm của cả nước trên dưới 35.000 héc ta đã tiết kiệm cho nông dân trên 160 tỷ đồng/năm...
Còn nhiều khó khăn, hạn chế
Dù hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được khẳng định song đến nay việc triển khai hết sức khó khăn. Thực tế cho thấy, mặc dù các địa phương đã hoàn thành tốt công tác dồn điền, đổi thửa, tạo tiền đề để hiện thực hoá mô hình cánh đồng mẫu lớn, song diện tích sau dồn đổi của các hộ còn rất nhỏ, chỉ dao động từ 1ha - 5ha, khó có thể hình thành được cánh đồng mẫu lớn.
Các chuyên gia cho rằng, muốn thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn nhất thiết phải có sự tham gia của các DN. Tuy nhiên, đến nay DN chưa thực sự muốn đầu tư, liên kết với nông dân thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Hiện nay, DN vẫn muốn duy trì cách thức thu mua nông sản thông qua đội ngũ thương lái... nên việc nhân rộng mô hình còn khó khăn. Một số DN tích cực tham gia thì gặp khó khăn về nguồn vốn để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đầu tư phơi sấy, kho bãi..., tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng rất khó...
Còn theo các DN, khi tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, DN và nông dân đều có lợi. Tuy nhiên, việc phá cam kết giữa hai bên vẫn thường xảy ra do nông dân chưa nhận thức rõ lợi ích sản xuất theo hợp đồng mà chạy theo giá cả. Bởi vậy để thu hút được DN tham gia rất cần chính quyền địa phương tăng tính hỗ trợ giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra giữa DN và nông dân trong vấn đề liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn để giảm bớt mối lo ngại của DN. Đồng thời, ngành nông nghiệp nên có đánh giá về việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn thường xuyên để biết DN nào làm tốt, từ đó, chọn những DN đầu tư và thu mua tốt để tạo điều kiện liên kết với nông dân.
Được biết, để giải quyết những vướng mắc về vốn cũng như chính sách, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Chính phủ ban hành quyết định về một số chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã, DN sản xuất theo phương thức cánh đồng mẫu lớn. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xây dựng, điều chỉnh một số văn bản pháp luật có liên quan giúp các DN tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tạo cơ chế thu hút, hỗ trợ DN. Hy vọng rằng với những động thái tích cực, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn sẽ từng bước nhân rộng đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân...