Cân nhắc một cách thận trọng, đảm bảo chất lượng các dự án Luật

Cân nhắc một cách thận trọng, đảm bảo chất lượng các dự án Luật

(GD&TĐ) - Đó là yêu cầu của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở Hội trường trong phiên làm việc buổi sáng ngày 5/6, về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội. Bên cạnh nội dung này, trong ngày 5/6, Quốc hội còn xem xét một số dự án Luật quan trọng như: Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); dự án Luật đấu thầu (sửa đổi); dự án Luật Việc làm; dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp.

v
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) phát biểu ý kiến tại nghị trường Quốc hội

Không xem xét những dự luật kém chất lượng

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội cho biết: Trước kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 gồm: Chính phủ đề nghị 55 dự án, trong đó 53 dự án luật, 2 dự án pháp lệnh. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị 2 dự án luật. Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị 3 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh. Ủy ban Kinh tế đề nghị 7 dự án luật.

Theo đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên), trong số các dự án nêu trên thì có nhiều dự án được các cơ quan, đại biểu Quốc hội đề nghị trùng nhau. Số lượng dự án luật, pháp lệnh được đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 là quá nhiều so với khả năng chuẩn bị, cũng như quỹ thời gian của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khả năng xem xét, thông qua của Quốc hội. Đại biểu cho rằng, quyết định đưa các dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cần phải cân nhắc một cách thận trọng, xác định rõ sự cần thiết, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và những nội dung cơ bản của dự án, các điều kiện cần thiết bảo đảm việc soạn thảo, cho ý kiến và trình xem xét, thông qua.

Ý kiến của các đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang), Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước), Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên)… cũng kiến nghị chỉ đưa vào Chương trình năm 2014 những dự án được thuyết minh rõ ràng về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản; kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như những dự án luật không cần thiết.

Còn nhiều yếu kém trong công tác điều hành thực hiện luật

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) chỉ ra thực tế hiện nay, trong số 13 luật được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành thì có đến 8 luật chưa được thực hiện. Theo đại biểu, nguyên nhân là do nhiều cơ quan lúng túng trong điều hành thực hiện luật. Vì vậy, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cần có quy định rõ, các cơ quan phải có trách nhiệm trong việc thực hiện luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành rõ hướng dẫn thực thi các luật đã được thông qua trong thời gian sớm nhất. Ông cũng cho rằng, việc đưa các dự án vào Chương trình năm 2014 phải tính đến quỹ thời gian, khả năng thực tế của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ chuẩn bị dự án. Không nên năm nào cũng điều chỉnh luật, pháp lệnh. Vì vậy, kiên quyết không đưa ra Quốc hội những dự án luật không cần thiết.

Nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Trước khi thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội tại phiên làm việc ngày 4/6, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Liên quan đến công tác xây dựng luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013. Theo đó, chương trình sẽ có sự điều chỉnh: Lùi thời hạn trình các dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật hộ tịch.

Tờ trình cho biết sau 7 năm thực thi, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung kịp thời. Việc sửa đổi Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thể chế hoá kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Điểm nổi bật trong Dự thảo là việc bổ sung các biện pháp thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng tài sản, vốn, tài nguyên, các cơ chế phát hiện lãng phí, trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí, nhất là tăng cường tính công khai trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước. Dự thảo Luật cũng làm rõ hơn quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bổ sung trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và trước công luận của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tùy theo mức độ vi phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp và liên đới.

Sau khi nghe Tờ trình dự án Luật nói trên, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án Luật này do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày. Sau đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật việc làm; trước khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp vào cuối phiên làm việc.

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ