Linh hoạt phương pháp
Theo cô Hiền, giáo viên trực tiếp ôn tập, trao đổi thống nhất về nội dung, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp làm hay, học hỏi lẫn nhau, thường xuyên trau dồi, cập nhật văn bản pháp luật mới và thông tin mang tính thời sự đưa vào bài học.
Nhóm giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, Trường THPT Xuân Vân (Sơn Dương, Tuyên Quang) đã có những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp THPT, giúp học sinh đạt kết quả cao.
Cô Lê Thị Thu Hiền – Tổ Sử - Địa - Giáo dục Công dân cũng là giáo viên giáo dục công dân – chia sẻ: Trước hết, nhóm đã xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập sát với định hướng ra đề thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT.
Ngay sau một vài tuần học, tiến hành kiểm tra, đánh giá và phân loại đối tượng học sinh; đặc biệt chú ý sàng lọc đối tượng học sinh đạt dưới điểm chỉ tiêu hoặc cách xa điểm chỉ tiêu giao cho các lớp. Qua đó, nắm bắt được chất lượng học sinh để có phương pháp ôn tập riêng, phù hợp với từng loại đối tượng học sinh.
Khi ôn tập cho học sinh yếu kém, cần tìm hiểu, nắm bắt một số thông tin như: Học sinh yếu ở đâu? Thấy khó ở nội dung ôn tập nào? Từ đó đưa ra nội dung ôn tập phù hợp với các em.
Nội dung phụ đạo cho học sinh yếu kém phải đi từ nội dung đơn giản nhất, hướng dẫn tỉ mỉ phương pháp, kỹ năng giải đề, rồi mới nâng dần mức độ khó. Sau mỗi buổi ôn đều giao bài tự học ở nhà và kiểm tra nội dung đã giao tự học trước mỗi buổi ôn.
Giáo viên phải thật gần gũi, cởi mở để học sinh sẵn sàng chia sẻ, hợp tác. Sau mỗi buổi ôn tập đều quan tâm, động viên, khích lệ sự tiến bộ của học sinh. Ngoài việc ôn tập, luyện đề trên lớp, giáo viên thường xuyên giao bài về nhà qua phần mềm azota, k12online…, chuyển bài vào vào nhóm lớp. Kiểm tra, đôn đốc, nhận xét, trao đổi nhắc nhở kịp thời việc làm bài tập của các em ở nhà.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt, điều chỉnh ý thức, thái độ học tập của học sinh. Trong quá trình luyện đề, hướng dẫn kỹ càng việc chọn đáp án đúng, giải thích, làm rõ những kiến thức được vận dụng đưa vào giải đề.
Sử dụng những kinh nghiệm trong quá trình ôn tập, giáo viên đưa ra phương pháp nhận biết nhanh để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, nắm bắt được phương pháp giải đề với từng kiểu câu hỏi trắc nghiệm, nhất là những tình huống vận dụng cao. Sử dụng trình chiếu powerpoint, video ngắn, tình huống có vấn đề, phương pháp tích cực để tạo hứng thú ôn tập cho học sinh.
Cô Lê Thị Thu Hiền luôn tận tình hỗ trợ học trò trong học tập. |
Tránh “mất điểm oan”
Cô Hiền lưu ý học sinh trong quá trình ôn tập: Cần nắm vững kiến thức cơ bản của từng bài, ghi nhớ những dấu hiệu nhận biết nhanh đối với các đơn vị kiến thức.
Tích cực luyện tập các dạng câu hỏi trắc nghiệm đã có trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và các năm trước. Cập nhật thường xuyên thông tin, định hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT; biết phân tích, lựa chọn những đơn vị kiến thức được vận dụng đưa vào giải đề.
Đối với những câu hỏi tình huống, cần đọc kỹ câu hỏi nhằm xác định được yêu cầu của đề. Sau đó, lần lượt phân tích tình huống qua các câu dẫn, giúp học sinh xác định chính xác đáp án đúng mà không bỏ sót nhân vật trong tình huống. Thường xuyên trao đổi những khó khăn, vướng mắc với các thầy cô trong quá trình ôn tập tốt nghiệp và luyện đề.
Khi làm bài thi, thí sinh cần lưu ý, các em cần đọc kỹ câu hỏi và đáp án trước khi điền vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Đối với câu hỏi khó, các em nên đọc kỹ đề bài nhiều lần đến khi hiểu và gạch chân dưới các từ khóa, dùng phương pháp loại trừ, từ đó, đối chiếu với các đáp án để đưa ra lựa chọn chính xác nhất.
Thực tế, không ít em lại “mất điểm oan” vào những câu hỏi rất dễ ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Vì tâm lý chủ quan, đọc lướt qua, lựa chọn nhanh. Vì thế, các em cũng cần tập trung ôn luyện và phân bố thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý.
Tập trung ôn luyện các dạng đề bám sát vào đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT. Khi làm bài, các em cần căn giờ hợp lý cho các câu hỏi, câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau. Khi hoàn thành phiếu trả lời trắc nghiệm, các em cần kiểm tra bài làm thật kỹ. Thí sinh phải điền hết đáp án các câu hỏi, không nên để trống, kể cả những câu khó nhất.