Nhưng, DNNVV luôn thiếu vốn, lạc hậu về công nghệ và năng lực quản trị, thường xuyên chịu lép vế trong cạnh tranh. Trong khi các quy định cũng như chất lượng phục vụ của cơ quan chức năng chưa theo kịp yêu cầu đổi mới của DN… Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các DNNVV đứng vững và phát triển trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Những nút thắt
Ngay tên gọi của DNNVV đã nói lên tính chất đặc trưng của loại hình DN này. Thực tế, phần lớn DNNVV hình thành dựa trên yếu tố tự phát, từ kinh nghiệm của cá nhân và gia đình, sử dụng vốn tự có và vốn vay hoặc đóng góp từ gia đình, bạn bè. Khi bước vào hoạt động thì hầu hết các đơn vị đều dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vay được vốn. Đây là vấn đề nan giải, tồn tại đã lâu mà chưa thể giải quyết khi DN luôn thiếu tài sản thế chấp, còn ngân hàng không muốn nhận phần rủi ro về mình.
Mặt khác, các chủ DN cũng hạn chế về trình độ, nhất là về kiến thức pháp luật, ngoại ngữ và quản lý. Hiện mới có khoảng hơn 30% DN có bộ phận pháp lý chuyên nghiệp và hoạt động có hiệu quả. Trong khi đó, bối cảnh hội nhập ngày càng tạo sức ép với DN, nhiều đơn vị lúng túng trước việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, gặp khó khăn khi phải đối diện, xử lý tranh chấp với DN nước ngoài.
Thực tế, đã có hàng chục vụ kiện bán phá giá của DN “ngoại” đối với DN “nội”, nhưng DN “nội” mới chỉ tiến hành được 4 vụ kiện tự vệ thương mại với DN quốc tế. Về công nghệ, nhìn chung lạc hậu hơn DN các nước trong khu vực từ 15 đến 25 năm nên sản phẩm làm ra rất khó cạnh tranh trên thị trường khi hội nhập sâu rộng như hiện nay. Việc người tiêu dùng sử dụng “hàng ngoại” đang tràn vào thị trường nước ta là minh chứng cụ thể...
Cần một chính sách hỗ trợ cụ thể
Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2016 là khởi đầu một nhiệm kỳ Chính phủ mới, gắn liền với kiến tạo và quyết tâm hỗ trợ DN thiết thực, hiệu quả; từng bước xác lập môi trường đầu tư - kinh doanh hữu hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Cũng trong năm nay, nền kinh tế liên tục đối mặt với nhiều khó khăn, với các yếu tố bất lợi cả về chủ quan, khách quan. Tình hình hoạt động của DNNVV đặt ra yêu cầu hiện thực hoá mục tiêu hỗ trợ từ cấp điều hành vĩ mô đến từng địa phương, các bộ, ngành...
Hà Nội đang khẳng định vị thế là địa phương đi đầu cả nước trong hỗ trợ DN, được Chính phủ cũng như các tỉnh, thành bạn ghi nhận với những biện pháp chủ động và đồng bộ. Đặc biệt, trong đó Hà Nội nhấn mạnh mục tiêu cải thiện chất lượng, sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh và trên thực tế đã được cộng đồng nhà đầu tư đánh giá nằm trong “top 3” địa phương đáng triển khai dự án đầu tư nhất cả nước.
Việc làm cụ thể là mới đây, Hà Nội đã ra văn bản chỉ đạo các sở, ngành phối hợp đẩy mạnh đăng ký DN qua mạng điện tử, với những tiêu chí: Bảo đảm thực hiện 100% hồ sơ đăng ký qua mạng được giải quyết trong vòng 2 ngày làm việc, cấp mã số DN trong 4 ngày làm việc, miễn thu lệ phí đăng ký DN đối với đơn vị nộp hồ sơ đăng ký DN qua mạng từ ngày 15/6 đến 31/12/2016...
Cùng với Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác cũng triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm tháo gỡ kịp thời các “nút thắt” tạo điều kiện cho các DNNVV phát triển. Đặc biệt, hiện cơ quan chức năng đã hoàn tất việc xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Bộ KH&ĐT đã tổ chức một số cuộc họp tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan quản lý, DN để hoàn thiện, tiến tới trình cấp có thẩm quyền thông qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng băn khoăn, vì từ trước đến nay luật luôn “hay và đúng”, nhưng các văn bản dưới luật, hướng dẫn thực thi lại chưa sát thực tế, thậm chí còn gây khó cho DN. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý nên xác định rõ DN quy mô nhỏ, siêu nhỏ là đối tượng cần hỗ trợ, vì đó là những đơn vị yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. Nếu có các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, DN sẽ đứng vững trên thị trường và phát triển lên quy mô lớn hơn trong tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay.