Cần mở rộng quyền khởi kiện hành chính tại Tòa án

Cần mở rộng quyền khởi kiện hành chính tại Tòa án

Mở rộng quyền khuyến nại cho công dân

Theo Báo cáo của Thường trực Ủy ban Tư pháp, sau khi tiếp thu ý kiến của ĐBQH tại Kỳ họp thứ Sáu, Thường Ủy ban Tư pháp và cơ quan soạn thảo dự án Luật đã thống nhất quy định thẩm quyền giải quyết của tòa án theo phương pháp loại trừ; quy định giới hạn những hành vi, quyết định hành chính trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao có liên quan đến bí mật Nhà nước sẽ không thuộc thẩm quyền của Tòa án; thời hiệu khởi kiện; thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính...

Việc dự thảo Luật quy định tòa án có thẩm quyền giải quyết hầu hết các khiếu kiện hành chính chỉ trừ một số lĩnh vực đặc biệt là phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại tố cáo và tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan soạn thảo chưa thống nhất về tiêu chí xác định các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; điều kiện khởi kiện vụ án hành chính; thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện của viên chức Nhà nước về hành vi, quyết định hành chính.

Cần mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện nhằm mở rộng dân chủ trong xã hội.
Cần mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện nhằm mở rộng dân chủ trong xã hội.

Các Ủy viên UBTVQH thống nhất, cần mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện nhằm mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính. Việc căn cứ vào tính chất chuyên môn của loại khiếu kiện để quy định loại việc này phải được xem xét giải quyết tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện tại Tòa án như đề xuất của cơ quan soạn thảo vừa không có cơ sở khoa học, vừa không có ý nghĩa thực tiễn, làm hạn chế quyền tự do lựa chọn của công dân, kéo dài thời gian giải quyết vụ việc và mất đi ý nghĩa của việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, tình trạng chậm giải quyết khiếu kiện hành chính của người dân như vừa qua có nguyên nhân chủ yếu là do Pháp lệnh hiện hành quy định phải khiếu kiện ra cơ quan ban hành quyết định hành chính trước khi khởi kiện ra Tòa án. Trong khi đó, một số cơ quan hành chính Nhà nước có hiện tượng nhùng nhằng, chậm đưa ra quyết định giải quyết, làm tắc con đường đưa dân đến với Tòa án. Do đó, dự thảo Luật không nên hạn chế quyền khởi kiện của người dân.

Quyền khởi kiện hành chính bị giới hạn đến cấp nào?

Trong các nhóm vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau khi Quốc hội thảo luận về dự luật này tại kỳ họp thứ bảy có thẩm quyền tòa án, điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, cơ chế xử lý với bản án sai lầm nghiêm trọng, quy định về các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án...

Quyền khiếu nại, khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính có bị giới hạn không và giới hạn đến cấp nào được đặt ra như sự khẳng định mục tiêu mà dự luật lần này đề cập, đó là quyền bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án.

Tại điều 25, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, nếu nói như dự thảo thì hiểu là luật áp dụng cả với quyết định hành chính và hành vi hành chính từ Chính phủ trở xuống. Nhưng, khi đi vào thẩm quyền cụ thể, ông Thuận cho rằng dự thảo đã không nói gì đến phạm vi thuộc thẩm quyền của tòa án liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chính phủ, đặc biệt là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Phó thủ tướng.

“Để đảm bảo sự minh bạch, nếu các quyết định hành chính, hành vi hành chính này chúng ta không xử lý thì cũng nói thẳng là thuộc loại trừ, nếu không sẽ lại gây rắc rối”, ông Thuận nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, nếu ta cứ nói chung chung chỉ loại trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quốc phòng, an ninh, ngoại giao thì chưa rõ lắm!

Kết thúc phiên họp chiều ngày 21/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Dự án luật này hết sức quan trọng, liên quan đến quyền lợi công dân và được trông chờ. Nếu thông qua được sẽ giải quyết những vướng mắc lâu này liên quan đến khiếu nại tố cáo.

Liên quan đến một số vấn đề còn tranh cãi, Phó Chủ tịch QH giao Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện để gửi các đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào thời gian tới.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...