Dư luận cũng đặt câu hỏi về chất lượng, trình độ nghiệp vụ, kỹ năng, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên khu vực này.
Siết chặt công tác quản lý
Bà Hoàng Thanh Hương - Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Công tác quản lý cơ sở GDMN nói chung, mầm non ngoài công lập nói riêng là một trong những nội dung được chú trọng trong hướng dẫn nhiệm vụ mỗi năm học. Trong đó, việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho GV nhấn mạnh đến yêu cầu thực hiện tốt quy tắc ứng xử; nâng cao đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng tốt hơn…
Là địa phương có số trường, lớp mầm non tư thục độc lập chiếm số lượng lớn với gần 400 trường ngoài công lập và gần 2.700 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, ngành Giáo dục Hà Nội đã có nhiều giải pháp để quản lý GDMN ngoài công lập, song vẫn còn không ít khó khăn.
Thời gian qua, các địa phương đã rất quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có sai phạm. Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT tăng cường trách nhiệm, tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình hoạt động của cơ sở mầm non sau khi được cấp phép, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của UBND xã, phường, thị trấn, bởi đây là cấp có trách nhiệm trực tiếp.
Bà Hương nhận định: Công tác quản lý làm sát sao từ việc ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến tổ chức tập huấn, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm… Hơn 50.000 GVMN của Hà Nội hầu hết đều tâm huyết với nghề, yêu nghề, mến trẻ, nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ một cách toàn diện. Là bậc học nhiều rủi ro, áp lực, thu nhập còn thấp, song phần lớn GV vẫn tận tình, sáng tạo với nghề… Tuy nhiên, thực tế vẫn còn GV thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp cũng như hạn chế về phương pháp chăm sóc trẻ đã gây ra những sự việc đáng tiếc.
Qua những sự việc xảy ra liên quan đến ứng xử thiếu chuẩn mực, đạo đức sư phạm của một số GVMN, bà Hương chia sẻ: Đã chọn công việc dạy trẻ MN, mỗi GV, nhất là GV mới vào nghề, ngoài bảo đảm các yêu cầu về trình độ, nghiệp vụ, cần trau dồi, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống sư phạm từ việc tự học, tự bồi dưỡng và bổ sung kinh nghiệm thực tiễn để có được phương pháp giáo dục chuẩn mực, không vi phạm quy định đạo đức nhà giáo và hơn cả là luôn yêu thương, hết lòng chăm sóc trẻ…
Về phía phụ huynh học sinh, bên cạnh phối hợp chặt chẽ với nhà trường, giáo viên cần có cái nhìn khách quan về công việc của GVMN để đồng hành tạo dựng môi trường học tập, vui chơi chất lượng cho trẻ.
Xây dựng trường, lớp mầm non hạnh phúc
Để giải quyết dứt điểm những bất cập, tồn tại ở cấp mầm non, năm học 2020 - 2021, ngành GD Hà Nội phát động phong trào “Xây dựng trường, lớp mầm non hạnh phúc”, nhằm tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở cấp học sau. Ngoài việc tiếp tục tham mưu với UBND thành phố tăng cường đầu tư xây dựng, mở rộng trường, lớp, sở đã ban hành 3 tiêu chí trường, lớp mầm non hạnh phúc. Cụ thể là: Xây dựng trường học xanh, sạch, an toàn, thân thiện; Hoạt động chăm sóc, giáo dục được thực hiện theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm; Đẩy mạnh mối quan hệ trong và ngoài nhà trường…
Bà Hoàng Thanh Hương cho biết: Triển khai phong trào này, Hà Nội sẽ công khai định kỳ trên website của Sở GD&ĐT Hà Nội (hanoi.edu.vn) các cơ sở GDMN được cấp phép, đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ chất lượng tốt để cha mẹ biết, lựa chọn. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm kỷ cương trong quản lý…
Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, với hơn 200 cơ sở, trong đó có 160 nhóm lớp mầm non độc lập tư thục và số trẻ ra lớp hằng năm tăng mạnh, phòng tham mưu với UBND quận tăng cường đầu tư, mở rộng mạng lưới trường, lớp học để đáp ứng đủ nhu cầu gửi con của người dân. Ngoài ra, phòng còn tập trung thực hiện mô hình kỷ cương trong quản lý cơ sở GDMN ngoài công lập; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm.
Còn theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ Lê Thị Nga, trong công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, riêng đối với khối các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nội dung tập huấn được quận ưu tiên là chuyên đề nâng cao năng lực quản lý; Xây dựng môi trường học tập lấy trẻ làm trung tâm; Bảo đảm VSATTP. Qua đây, chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm của hiệu trưởng - chủ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập trong việc quản lý tại cơ sở. Khơi dậy và nêu cao tầm quan trọng về ý thức trách nhiệm, lương tâm với nghề của mỗi cán bộ, GV - nhân viên. Từ đó, mỗi GV luôn là người mẹ thứ 2 của trẻ khi ở trường, mang lại cho trẻ cảm giác yên tâm, an toàn và hạnh phúc nhất. Bên cạnh đó, việc tự bồi dưỡng kỹ năng, thái độ làm việc thân thiện, tích cực cho GV mầm non ngoài công lập cũng được khuyến khích và tạo điều kiện.