Thảo luận, đề xuất chính sách cho các nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 30/6, hội thảo "Tham vấn chuyên môn về chính sách nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay" được tổ chức tại Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam.

TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát biểu tại hội thảo.
TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Đại học Anh Quốc Việt Nam tổ chức. Tham dự, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Tạ Ngọc Trí, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Dương Thanh Hương; cán bộ, công chức một số cục, vụ thuộc Bộ.

Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp; Chủ tịch Hiệp hội giáo viên mầm non ngoài công lập Việt Nam Đinh Thị Kim Thoa; Giáo sư, Ts Rick Bennett - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam.

Dự hội thảo còn có đại biểu của 10 sở Giáo dục và Đào tạo khu vực miền Bắc và một số trường đại học; các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến từ một số cơ sở giáo dục, trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn và trong khu vực.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Khẳng định vai trò hết sức quan trọng của giáo dục đối với mỗi quốc gia, dân tộc, theo TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), vai trò của giáo dục đối với xã hội được thể hiện ở 4 khía cạnh chính: Nâng cao dân trí; cung cấp nguồn nhân lực có trình độ; bảo vệ thể chế chính trị của đất nước; bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ lao động

Đối với mỗi con người, giáo dục giúp lưu giữ, truyền đạt tri thức, kỹ năng từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần rèn luyện đạo dức và hoàn thiện nhân cách. Chính vì thế, vai trò của giáo dục đối với con người là vô cùng to lớn, không thể thay thế trong xã hội hiện đại.

Trong hệ thống giáo dục, TS Vũ Minh Đức khẳng định, nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”.

Thực tiễn cũng cho thấy giáo viên là nhân vật trung tâm của mọi chương trình cải cách, cải tổ và đổi mới giáo dục. Unesco và nhiều tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới đã có các công trình nghiên cứu khoa học và khẳng định vai trò quan trọng của nhà giáo trong thúc đẩy phát triển giáo dục với triết lí "Không có hệ thống giáo dục nào vượt qua được chất lượng đội ngũ nhà giáo trong hệ thống đó".

Hội thảo "Tham vấn chuyên môn về chính sách nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay".

Hội thảo "Tham vấn chuyên môn về chính sách nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay".

Chia sẻ riêng về khối ngoài công lập, TS Vũ Minh Đức cho biết: Trong nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, hệ thống giáo dục ngoài công lập không ngừng phát triển.

Theo niên giám thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021, toàn quốc có hơn 4.000 trường ngoài công lập với trên 1.8 triệu học sinh , sinh viên (chiếm tỷ /ệ 7% số với tống số học sinh, sinh viên cả nước). Số lượng nhà giáo đang làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập có khoảng 135 ngàn người (chiếm tỷ lệ khoảng 11% so với tổng số giáo viên/giảng viên cả nước).

Hệ thống giáo dục ngoài công lập đã và đang khẳng định vai trò là một thành phần mới trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, gánh vác một phần tải trọng cho giáo dục của cả nước.

Tuy nhiên, TS Vũ Minh Đức cũng cho rằng, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo người nước ngoài vẫn còn những bất cập, chưa đồng bộ với hệ thống chính sách hiện có của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Nhàm hoàn chỉnh chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo cả công lập và ngoài công lập, Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật điều chỉnh về nhà giáo để trình Chính phủ xem xét, báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật giai đoạn từ năm 2022-2025.

Trong nội dung dự kiến của Luật sẽ có những quy định về công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài; bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài; tăng cường việc liên kết, hợp tác quốc tế trong giáo dục, thu hút nhà giáo người nước ngoài có năng lực, trình độ cao tham gia các hoạt dộng giáo dục tại Việt Nam.

Tại hội thảo lần này, TS Vũ Minh Đức mong muốn được nghe ý kiến của đại diện các cơ quan quản lý giáo dục, đại diện nhà đầu tư, người quản lý và của đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập về chính sách đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó, đề xuất chính sách quản lý nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam; mong muốn những nội dung cần luật hóa nhằm đảm bảo vị thế, quyền và lợi ích của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Trước đó, hội thảo cùng chủ đề cũng đã được tổ chức thành công tại Trường ĐH Hoa Sen, thành phố Hồ Chí Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ