Cần làm rõ nhiều nội dung trong đầu tư xây sân bay Quảng Trị

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hội đồng thẩm định liên ngành thống nhất đầu tư sân bay Quảng Trị là cần thiết, nhưng cần làm rõ nhiều nội dung.

Mô hình Cảng hàng không Quảng Trị.
Mô hình Cảng hàng không Quảng Trị.

Đầu tư sân bay sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 3/8, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, UBND tỉnh đã nhận được báo cáo của Hội đồng thẩm định liên ngành về Kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 - Xây dựng cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư.

Sau khi UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản giải trình ý kiến của các thành viên Hội đồng, ngày 11/7/2023, Hội đồng Thẩm định liên ngành đã tổ chức phiên họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2.

Về sự cần thiết đầu tư dự án, Báo cáo trên nhấn mạnh tính cần thiết trong việc đầu tư dự án sân bay nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch GTVT; tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội địa phương phát triển; đảm bảo hoạt động quân sự, quốc phòng; tạo điểm nhấn trong thu hút đầu tư cho tỉnh Quảng Trị...

Ngày 7/6/2023, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Cảng hàng không Quảng Trị được quy hoạch đến năm 2030 là cảng hàng không quốc nội, công suất dự kiến đạt 1 triệu hành khách/năm, đến năm 2050 dự kiến khoảng 2 triệu hành khách/năm.

Các thành viên Hội đồng cũng thống nhất với sự cần thiết đầu tư dự án.

Tuy nhiên, Hội đồng đề nghị tỉnh Quảng Trị đánh giá rõ hơn quan hệ, tác động của việc triển khai các dự án trên địa bàn với sự cần thiết đầu tư cảng hàng không, làm rõ sự cần thiết của dự án trong việc hoàn thiện hệ thống cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch được phê duyệt.

Liên quan đến đề xuất phân chia các hạng mục đầu tư trước 2030, Hội đồng thẩm định đề nghị tỉnh Quảng Trị giải trình, tiếp thu các ý kiến nêu tại thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án của Cục Quản lý xây dựng Bộ GTVT.

Phương án phân kỳ đầu tư các công trình, hạng mục phải đảm bảo đúng quy hoạch, chủ trương được phê duyệt, đúng quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật và an toàn trong quá trình đầu tư...

Đề nghị làm rõ nhiều nội dung

Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị đã nhận được sự thống nhất ủng hộ của các thành viên Hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về thời gian vận hành, thu phí và thời gian thu hồi vốn dự án dài.

Về thời gian hoàn vốn, tại quyết định 2148 của Thủ tướng, thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn dự án là 47 năm 4 tháng.

Trong khi đó, tại báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sau giải trình, nêu thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn dự kiến là 47 năm 3 tháng (giảm 1 tháng).

Do đó, Hội đồng thẩm định đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị làm rõ thêm cơ sở và các phương án tính toán cụ thể về thời gian hoàn vốn của dự án.

Loại hợp đồng BOT áp dụng đối với dự án là phù hợp với quy định. Tuy nhiên, thời gian hợp đồng BOT đến 49 năm 3 tháng của dự án là khá dài so với các dự án thuộc lĩnh vực GTVT.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, Dự án thành phần 2 có thời gian thu hồi vốn dài. Trường hợp doanh thu sụt giảm và chi phí đầu tư tăng 5%, thì Dự án không còn khả thi.

Đại diện NHNN đánh giá, do Dự án chưa được phê duyệt đầu tư, chưa đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư, vì vậy, tổ chức tín dụng chưa đủ cơ sở để thẩm định và quyết định cho vay.

“Tuy nhiên, theo phương án tài chính, trong 11 năm đầu khai thác, Dự án không có khả năng trả nợ. Với khả năng trả nợ và thời gian hoàn vốn nêu trên, rất khó có khả năng huy động vốn tín dụng” đại diện NHNN bày tỏ lo ngại và đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị cần làm rõ khả năng huy động vốn cho dự án.

Tại Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 được trình lần đầu, dự báo lưu lượng hành khách qua Cảng hàng không Quảng Trị (kịch bản trung bình) năm đầu khai thác (2025) là 796.250 lượt hành khách/năm, năm 2050 là 2.602.833 lượt hành khách/năm, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2020 - 2030 đạt 7,5-8,5%/năm và giai đoạn 2031-2050 là 4,2-5%/năm.

Tuy nhiên, tại Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sau giải trình, dự báo lưu lượng hành khách trong năm đầu khai thác (2026) là 243.781 lượt hành khách/năm, năm 2050 là 2.642.001 lượt hành khách/năm, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2020-2030 đạt 4,25%/năm; giai đoạn 2031-2050 là 4,5%/năm.

Do dự báo lưu lượng, nhu cầu vận tải hàng không là cơ sở phân tích, đánh giá hiệu quả và xây dựng phương án đầu tư, nên Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu đơn vị đề xuất Dự án và tư vấn nghiên cứu, làm rõ sự khác biệt rất lớn về số liệu.

Qua đó, Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành, các thông báo kết quả thẩm định của các cơ quan chuyên môn và xem xét phê duyệt dự án theo quy định.

Tháng 12/2021, Thủ tướng đã ký Quyết định số 2148 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị với tổng mức đầu tư 5.822,9 tỷ đồng, chia làm 2 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 (giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ quan Nhà nước tại Cảng hàng không) có tổng mức đầu tư 312,8 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Dự án thành phần 2 (Xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị) có tổng mức đầu tư 5.510,1 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Cả 2 dự án thành phần này đều do UBND tỉnh Quảng Trị là chủ đầu tư hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 4C.

Địa điểm xây dựng tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị); diện tích sử dụng đất khoảng 265,3ha.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ