Cần làm rõ hơn khái niệm mua bán người

Cần làm rõ hơn khái niệm mua bán người

Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Ngưu (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, về tên gọi giải thích từ ngữ tại Điều 2 là rất rộng, chưa tách bạch được các hành vi liên quan mua bán người. Khái niệm mua bán người rộng hơn khái niệm buôn bán người, ví dụ như những trường hợp đưa người đi lao động nước ngoài, cho nhận con nuôi… vì vậy cần nghiên cứu, giải thích cụ thể về tên gọi.

Cần làm rõ hơn khái niệm mua bán người ảnh 1
Nhiều đại biểu Quốc hội vẫn chưa thống nhất về tên gọi của dự thảo Luật.

Theo đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên), khái niệm này rất nhiều ý kiến tranh cãi, vì mua bán là phải trao đi đổi lại, có những yếu tố nhận tiền cho nên dự thảo cần tương đối rạch ròi. Trong quy định của dự thảo Luật, khái niệm mua bán chưa có sự phân biệt giữa hành vi mua bán người với việc chuyển giao, tiếp nhận người trong các trường hợp cho nhận con nuôi, môi giới kết hôn, môi giới lao động hợp pháp…

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, hành vi buôn bán người thực chất cũng là hành vi mua bán người nhưng có quy mô lớn và được tổ chức chặt chẽ, có tính chuyên nghiệp cao. Khái niệm mua bán người rộng hơn khái niệm buôn bán người, theo đó khái niệm mua bán người bao gồm cả hành vi buôn bán người có tổ chức, xuyên quốc gia và các hành vi mua bán người đơn lẻ.

Đồng tình với các ý kiến trên, quan niệm của đại biểu Quốc hội Vũ Huy Hòa (đoàn Thanh Hóa) thì  mua bán người bao gồm mua người, cất giữ người, buôn người… cần giải thích rõ nội hàm cho đầy đủ. Còn theo quan điểm của đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên), đa số các thuật ngữ quốc tế dùng từ buôn bán người vì tội phạm liên quan đến con người là đặc biệt, phải dùng từ buôn bán người mới lột tả hết được ý nghĩa. Theo ý kiến của đại biểu, nên lấy tên gọi là Luật phòng, chống buôn bán người.

Về tính khả thi của dự án Luật, hầu hết các ý kiến cho rằng, nhiều quy định của dự thảo Luật phù hợp với yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người ở nước ta, tuy nhiên có một số quy định về các biện pháp phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ và địa phương trong phòng, chống mua bán người; chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán trở về; bảo vệ an toàn cho nạn nhân… còn khá rộng, chưa phù hợp với tình hình KT-XH và điều kiện thực tế của nước ta.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh Hòa (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, trong thực tế, những hành vi vô cảm đối với nạn nhân của việc mua bán người là những hành vi đáng sợ và cần lên án nhất. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa đề ra hình thức cấm từ chối giúp đỡ các nạn nhân hoặc những người bị mua bán. “Chúng ta cần quy định nghiêm cấm các hành vi này” – bà Hòa đề nghị.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Lập (đoàn TP.HCM) cho rằng, Điều 7, khoản 10 quy định, cấm dung túng, bao che, cần nói rõ cố tình không tố giác tội phạm, từ chối hoặc chậm chễ giúp đỡ nạn nhân, xử lý thông tin. Nếu cơ quan chức năng hoặc người có thẩm quyền nhận được tin báo liên quan đến mua bán người mà từ chối, chậm chễ giúp đỡ nạn nhân cũng là hành vi bị nghiêm cấm. Như vậy, Điều 7 thể hiện hai ý, một là cố tình không tố giác tội phạm và hai là cần quy định rõ nghiêm cấm việc từ chối hoặc chậm chễ xử lý thông tin khi được nhận thông tin tố giác tội phạm về việc mua bán người.

Đại biểu Lê Quang Huy (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, tại khoản 2, điều 24 của dự thảo Luật quy định UBND xã nơi gần nhất hỗ trợ về ăn mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác cho nạn nhân đến khai báo trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường để họ tự trở về nơi cư trú… Theo đại biểu, quy định như vậy thì không biết là UBND xã có làm được không, nhất là những xã ở biên giới, vùng sâu, vùng xa - nơi còn gặp nhiều khó khăn?

Về bảo vệ an toàn cho nạn nhân, quy định tại điều 29 của dự thảo Luật, đại biểu Lê Quang Huy cũng đồng tình với ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp cho rằng: Quy định về bảo vệ an toàn cho nạn nhân như bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi ở, nơi làm việc, học tập của nạn nhân; thay đổi chỗ ở của nạn nhân và người thân thích của họ… là chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của nước ta và tính khả thi không cao. Trong khi hiện nay không chỉ có nạn nhân bị mua bán cần được bảo vệ mà còn có nhiều đối tượng khác cũng cần bảo vệ như người làm chứng trong các vụ án buôn bán ma túy, khủng bố, rửa tiền, người tố cáo tham nhũng…. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu bảo đảm quy định phù hợp, cân đối với các đối tượng khác và thực hiện được trên thực tế.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (đoàn Ninh Thuận) nhận xét, có thể đây là một vấn đề mới và khó, nên trong quá trình xây dựng, Ban soạn thảo vẫn còn lúng túng, nhiều điều khoản diễn đạt trong dự thảo diễn đạt chưa được gãy gọn.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ cũng đặt vấn đề, nếu chúng ta quy định về việc hỗ trợ với nạn nhân bị mua bán theo 6 loại chế độ hỗ trợ là: hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn… thì chúng ta lấy đâu cơ sở vật chất, tiền vốn để thực hiện các hỗ trợ đó. Liệu đặt ra như vậy thì khi áp dụng vào thực tế có thực hiện được không?

Xuất phát từ những lý do trên, đa số đại biểu cho rằng, hiện nay cơ sở bảo trợ xã hội được thành lập ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Sở Lao động – Thương binh Xã hội quản lý, nếu bổ sung thêm chức năng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và tăng cường đầu tư cho các cơ sở này, nhất là ở những nơi thuộc địa bàn trọng điểm về mua bán người hoặc có nhiều nạn nhân bị mua bán thì sẽ tận dụng được các cơ sở hiện có và hoạt động hiệu quả, tiết kiệm hơn.

Đại biểu Ngô Thị Minh Hồng (đoàn TP.HCM) cho rằng, cần làm rõ khái niệm “người bị mua bán” trong luật vì hiện nay có cả tình trạng mua bán khi còn là trong bào thai, do vậy cần làm rõ để có hướng xử lý, phòng chống hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (đoàn Quảng Ngãi) góp ý, việc ngăn chặn, phòng chống nạn buôn bán người cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan và cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Y tế. Đồng thời để công tác phòng chống mua bán người đạt hiệu quả cao cần có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.