Cần làm gì để chữa lành những chấn thương tâm lý?

GD&TĐ - Hồi bé, giống như nhiều bạn cùng tuổi, Nhã phải đi bộ đến trường, quãng đường dài không khác gì cực hình, những kẻ bắt nạt ẩn nấp ở những nơi Nhã không thể đoán trước.

Cần làm gì để chữa lành những chấn thương tâm lý?

Chúng xông ra tấn công Nhã bất cứ lúc nào. Vũ khí của chúng là bùn, đất, gạch vụn, sỏi, nước miếng, thậm chí là cả những “sản phẩm” động vật nuôi xả ngoài đường,…. Tất cả đều “hạ cánh” nơi Nhã.

Giờ nghỉ giải lao giữa những tiết học mới thực sự đáng sợ, bởi những kẻ bắt nạt lúc này không còn là vài đứa, mà là hàng chục đứa, chúng rủ nhau từ những lớp học khác, tất cả cùng ùa sang vây hãm Nhã. Có những trò độc ác và bẩn thỉu đến mức cô bé không dám kể với bố mẹ. Nhã càng sợ hãi, chúng càng tỏ ra thích thú.

Một vài người bạn từng cố gắng bảo vệ Nhã, nhưng rồi chính họ cũng trở thành nạn nhân giống cô bé, họ giải thích với Nhã rằng rằng Nhã bị tấn công là vì quá hiền và ngoại hình quá khác biệt. Nhã không dám mách giáo viên hay bố mẹ, vì cô bé biết kẻ bắt nạt sẽ trả thù bằng những trò độc ác hơn.

Học lực của Nhã này càng yếu, cô bé bị người nhà trách mắng nhưng không thể giải thích. May mắn là Nhã vẫn thi đỗ cấp 3, cuộc sống học đường khốn khổ trở nên dễ thở hơn một chút, nhưng tổn thương tinh thần không ngừng đeo bám cô bé. Nhiều hôm Nhã vùng dậy giữa đêm, người đầm đìa mồ hôi vì kẻ bắt nạt thường xuyên trở về trong những cơn ác mộng.

Ngày bước chân vào đại học có lẽ là ngày Nhã cảm nhận được thứ gia vị mang tên “hạnh phúc” một cách rõ ràng nhất. Cô tin rằng, ở một môi trường lành mạnh và văn minh như thế, mình sẽ không bị bắt nạt nữa.

Nhưng Nhã đã nhầm, khi cậu sinh viên lạ mặt ném mẩu than vào người cô, chính là lúc cô nhận ra, những kẻ xấu luôn tồn tại, những hành vi ngạo ngược vẫn diễn ra. Nhưng nhiêu đó chưa là gì so với bầu trời tuổi thơ bầm dập Nhã từng trải qua. Nghĩ thế nên Nhã chỉ đáp lại cậu sinh viên kia bằng một nụ cười.

Khi Nhã đi làm, vì vẻ ngoài hiền lành, trông có vẻ “dễ bắt nạt” mà cô bị đồng nghiệp đối xử không công bằng. Nhã nhớ mãi một lần, trước khi đi công tác, sếp dặn chị trưởng phòng hướng dẫn công việc cho Nhã. Chị trưởng phòng “Dạ vâng” rất quyết đoán, nhưng khi sếp vừa rời đi, thái độ của chị khác hẳn.

Kết thúc một tuần công tác, sếp quay về kiểm tra công việc, thấy Nhã mắc nhiều sai sót, sếp đã trách chị trưởng phòng: “Nhã mới vào công ty, anh đã dặn em hướng dẫn con bé tỉ mỉ rồi cơ mà. Tại sao em lại để con bé mắc phải những lỗi ngớ ngẩn như vậy?”.

“Úi, Nhã ơi, chị đã dặn em kĩ lắm rồi mà sao em lại làm như thế này? Chết không cơ chứ!” – giọng điệu của chị trưởng phòng khiến Nhã sốc nặng. Chị trưởng phòng không hề hướng dẫn Nhã mà diễn kịch trước mặt sếp như thật. Nhưng lúc này Nhã đủ khôn lớn để nhận ra mình không phải kẻ yếu. Cô chưa bao giờ đáp trả những kẻ bắt nạt, thay vào đó, cô đầu tư chút thời gian để tìm hiểu nguồn gốc của hành vi.

Cuối cùng, Nhã đã tìm được lời giải: Hành vi bắt nạt xuất phát từ nhiều lý do. Đôi khi, lý do chỉ là kẻ bắt nạt cần một nạn nhân, một ai đó có vẻ yếu đuối về mặt cảm xúc hoặc thể chất. Hành vi bắt nạt khiến bản thân kẻ bắt nạt cảm thấy mình quan trọng hơn, được biết đến nhiều hơn.

Đa số kẻ bắt nạt trông có vẻ lớn hơn hoặc mạnh hơn nạn nhân, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Đôi khi kẻ bắt nạt hành hạ người khác bởi vì đó chính là cách họ đã được đối xử.

Những kẻ bắt nạt có thể nghĩ rằng hành vi của họ là bình thường bởi vì xuất phát điểm của họ là môi trường tràn ngập sự tức giận, đánh đập, chửi rủa,… Thế nên, thay vì trách móc họ, Thảo nghĩ mình nên nhìn nhận vấn đề ở góc độ nhân văn.

Nhã hay xem livestream của một game thủ trên mạng xã hội. Lắng nghe cậu nói chuyện, Nhã thấy mình có sự đồng cảm sâu sắc với cậu, đặc biệt là cách cậu đón nhận những hành vi tấn công xấu xí từ cộng đồng mạng bằng thái độ tích cực và văn minh. Một ngày, Nhã quyết định nhắn tin cho cậu để làm quen.

Khi đã chơi thân với nhau, Nhã và cậu rủ nhau viết chung một cuốn sách. Trong sách, họ viết: “Chúng ta không có cách nào ngăn chặn những hành động sai trái, ngông cuồng, bởi đó là xã hội, chúng ta phải chấp nhận tính 2 mặt của nó. Nhưng cuộc sống lại cho chúng ta nhiều hơn một sự lựa chọn, và quyết định nằm trong tay chúng ta.

Không có công cụ nào tốt hơn lòng biết ơn để đối phó với các tình huống bất lợi và chấn thương tâm lý. Chúng ta có thể cảm thấy biết ơn trong các hoàn cảnh khác nhau, ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất.

Người hồi phục nhanh nhất sau chấn thương là người học cách tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống, thay vì tập trung vào những gì đã mất hoặc không có. Lòng biết ơn là một chỉ số tuyệt vời về mức độ hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống. Chúng ta hãy lựa chọn thái độ đúng đắn để sống và cống hiến hết mình cho đam mê...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...