"Căn hộ 69": Phim hay sex?

Một bộ phim 18+ “made in Vietnam” trên Youtube có “siêu năng lực” khiến cả một đoàn người lúng túng.

"Căn hộ 69": Phim hay sex?

Những ngày vừa qua, cái tên Căn Hộ 69 được đề cập khá nhiều trên các trang mạng. Đây là sản phẩm do một nhóm làm phim trẻ thực hiện, phát trên Youtube và dán nhãn 18+. Căn Hộ 69 chỉ mới phát sóng tập đầu tiên và thu hút hơn 2 triệu lượt xem trên Youtube. 

Với bộ đôi nữ diễn viên chính là 2 cô gái xinh đẹp, nhẵn mặt với teen: Ngọc Thảo – Sĩ Thanh, bộ phim được truyền thông quảng bá rầm rộ không kém bất kỳ tác phẩm điện ảnh, truyền hình chính thống nào, thậm chí còn hơn nhờ yếu tố 18+ được “highlight” - tô đậm, gạch đít, giật tít ầm ầm.

Cụm từ “phim 18+” hay “phim người lớn” được tự do, “tung tăng nắm tay” tấm poster chỉn chu hình chàng trai và 2 cô gái nằm trên giường trong trang phục… lấy chăn mền che tạm. Quả thật hiếm khi, hoặc chưa bao giờ phim Việt “làm được” điều đó. 

Và tất nhiên, kẻ đi đầu luôn là kẻ… đưa đầu ra chịu trận. Trước sự lộng hành của Căn Hộ 69, Cục Điện Ảnh đã phải nhúng tay vào. Thực ra đây mới là lý do khiến Căn Hộ 69 trở thành đề tài được dư luận quan tâm: bị Cục “sờ gáy”.

Vào ngày hôm qua (25/6), tại cuộc họp giữa Cục Điện Ảnh với truyền thông, đại diện Cục lại tỏ ra khá lúng túng trong việc xử lý bộ phim 18+ này. Chung quy Cục vẫn chưa thể kết luận “số phận” của Căn Hộ 69 vì lý do: Chưa xác định được đây là… cái gì – có phải một bộ phim hay không?(!).

Theo Cục phó Cục Điện Ảnh - ông Đỗ Duy Anh thì quy trình sản xuất phim được quy định rõ trong Luật Điện Ảnh. Các tổ chức, cá nhân muốn sản xuất phim phải thông qua một đơn vị kinh doanh có chức năng sản xuất phim - tức là phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim do Cục cấp. 

Những cá nhân, tổ chức sản xuất phim mà không có tư cách pháp nhân hay thông qua tổ chức, công ty nào là trái pháp luật. Và sau khi thực hiện đúng quá trình làm một bộ phim, bộ phim đó phải thông qua các hội đồng thẩm định để được cấp phép phổ biến phim.

Xét theo những điều trên, ông Đỗ Duy Anh cho biết Căn hộ số 69 vi phạm 2 điều: 1 - Nhà sản xuất không tuân theo quy định về sản xuất phim (điều 49, Luật Điện ảnh). 2 - Phim không thông qua kiểm định để cấp phép phát hành, phổ biến phim (điều 51, Luật Điện Ảnh).

Tuy nhiên, khúc mắc của việc xử phạt này nằm ở chỗ: chưa thể xác định chính xác Căn hộ số 69 là một “bộ phim”, “sản phẩm” hay “video clip” và không thể xử phạt nếu đây không phải một “bộ phim”. 

Ông Đỗ Duy Anh cũng cho biết, Căn hộ số 69 đang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch điều tra về nội dung, dựa trên các quy phạm pháp luật của Luật Điện Ảnh, Luật Công nghệ thông tin, Nghị định Chính phủ 72 và chưa có kết quả cuối cùng.

Tạm gác lại vấn đề vĩ mô về các điều luật, nghị định… sự tung hoành và được nhiều khán giả tung hô của Căn Hộ 69 không chỉ gây lúng túng cho mỗi mình Cục Điện Ảnh thôi mà ngay chính khán giả cũng lúng túng không kém trong việc nhận diện - nhận thức - nhận xét nó.

Dễ dàng thấy ý kiến dư luận về (tạm gọi là) bộ phim này được chia thành 2 luồng đối lập hoàn toàn. Trong khi một số khán giả cho rằng phim cũng bình thường thôi, thậm chí khá duyên khi bàn về sex mà không phô, thì một số khác lại phê bình phim vô duyên và nhảm nhí. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy tất nhiên phần lớn vẫn là do cảm nhận riêng của mỗi người (nói cũng bằng thừa). 

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận có sự lúng túng “nhẹ” trong nhận định về “phô” khi đính kèm với mác “18+”. Không phải cứ cởi sạch, làm tình mới là phô. Trong nhiều trường hợp dù có cởi, có làm nhưng bằng khả năng nghệ thuật người ta vẫn khiến nó không phô, mà ngược lại – vô cùng duyên dáng.

Căn Hộ 69 qua một tập đầu tiên vẫn chưa nhìn ra cái duyên nằm ở đâu khi mà nội dung còn hời hợt, lời thoại và hành động của nhân vật vô duyên một cách vô lý – hiếm cô gái trẻ nào vô ý vô tứ “được” như trong phim, cố tình nhồi nhét yếu tố về sex; ngay đến diễn xuất vụng về của diễn viên cũng đủ “phô” rồi. 

Thế giới không hề thiếu phim 18+, nhưng thông qua yếu tố 18+ đó – có thể là sex, bạo lực, tâm lý… người ta truyền tải thông điệp ý nghĩa đến người xem. Còn một bộ phim lấy “sex” làm tâm để mọi tình tiết, nhân vật đều xoay vòng quanh nó thì nên gọi là phim cấp 3. Tất nhiên Căn Hộ 69 còn lâu mới đủ “trình” vào “cấp 3”.

Người lúng túng tiếp theo chính là những người làm ra Căn Hộ 69. Ekip này phát biểu rất mạnh miệng rằng họ làm phim hoàn toàn vì đam mê và không có mục đích thương mại. Không rõ họ có lúng túng trong việc xác định “đam mê” của mình là gì hay không khi làm một bộ phim vô nghĩa: Phim hay là sex? 

Ít nhiều thì chắc chắn khái niệm “phi thương mại” gây lúng túng cho họ. Ở phần cuối phim có xuất hiện lời mời gọi các nhà tài trợ. Hình thức kinh doanh quảng cáo dựa trên các sản phẩm online có lượt view “khủng” đã chẳng còn xa lạ gì ở Việt Nam.

Mặt khác, ekip này cũng phản ứng gay gắt trước phát biểu của POPS Worldwide - đối tác kinh doanh duy nhất của Youtube tại Việt Nam – khi POPS khẳng định tài khoản Căn hộ số 69 Official Channel không phải đối tác của họ. 

Thực chất phát biểu của POPS chỉ đơn thuần làm rõ trách nhiệm của POPS trong việc quản lý, kiểm soát phim này. Nhưng phía đoàn phim lại xem việc này là sự đả kích và phản ứng hết sức gay gắt - cho thấy sự lúng túng trong việc nhìn nhận vấn đề.

Cuối cùng, thành phần đông đảo nhất có lẽ là những người đang lúng túng không hiểu tại sao một bộ phim 18+ hời hợt về nội dung, diễn xuất vụng về lại được giới trẻ tung hô, quan tâm đến thế, thậm chí lên án ngược lại Cục Điện Ảnh khi họ đang làm đúng phận sự của mình.(?) 

Phải chăng chính sự tung hô vô lối đã thành “động lực” để ekip Căn Hộ 69 dám “nhá hàng” hình ảnh tập tiếp theo giữa lúc bộ phim còn đang bị Cục Điện Ảnh “sờ gáy”? 

Hành động đầy tính thách thức này thực sự đáng lo ngại vì thiếu tôn trọng cơ quan chức năng, gây ảnh hưởng đến uy tín và vai trò kiểm soát các văn hóa phẩm đến với công chúng.

Theo soha

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.