Cần hiểu thấu đáo về ban đại diện cha mẹ học sinh

GD&TĐ -  Mặc dù không phải là câu chuyện mới, nhưng đúng là chưa năm học nào cộng đồng phụ huynh lên tiếng đòi “giải tán” Ban đại diện cha mẹ học sinh “mạnh” như năm nay.  

Cần hiểu thấu đáo về ban đại diện cha mẹ học sinh

Phải thật công bằng mà nói, thì đúng là nội dung hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh không ít nơi nổi lên nhiều bất cập; các phương pháp và hình thức hoạt động còn mang tính tự phát, hoặc theo kinh nghiệm của bản thân và cách làm của các khóa trước.

Mối quan hệ giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhiều trường thường mới chỉ dừng ở việc tham dự vào các hoạt động bề nổi, mà chưa phát huy được vai trò, tiếng nói của mình trong nhiều hoạt động quan trọng khác.

Đặc biệt là việc các khoản thu chi vào đầu năm học, được chính các cha mẹ phụ huynh học sinh phản ánh đó là, hầu như Ban đại diện cha mẹ học sinh thường bị động theo đề xuất của nhà trường mà ít có sự trao đổi, bàn bạc….hay nếu có cũng chỉ mang tính hình thức để hợp thức hóa.

Vì thế trong mắt một số người, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã vô tình trở thành “cái bóng” của nhà trường trong các khoản thu chi chưa hợp lý.

Từ đó ít nhiều nảy sinh ra mâu thuẫn, thậm chí dẫn tới hoạt động của nhiều Ban đại diện cha mẹ học sinh đi chệch hướng khỏi mục đích ý nghĩa của nó… khiến cho không ít cha mẹ học sinh lên tiếng đòi “giải tán”.

Tất nhiên cái gì cũng có lý của nó. Nhưng không vì thế mà phủ nhận mặt tích cực do Ban đại diện cha mẹ học sinh đã mang lại trong việc kết nối giáo dục giữa nhà trường và gia đình chăm lo giáo dục học sinh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Mỗi lớp đều có Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp gồm từ 3 đến 5 thành viên; mỗi trường đều có Ban đại diện cho mẹ học sinh trường với thành viên là trưởng ban hoặc phó ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Tất cả thành viên này đều là những người được số đông phụ huynh trong lớp tín nhiệm bầu ra và làm đầu mối mà chẳng hề có đồng lương hay tiền phụ cấp nào, thế nhưng rất nhiều Ban đại diện hội cha mẹ học sinh không chỉ đại diện tiếng nói, bảo đảm quyền lợi cho học sinh.

Ban đại diện hội cha mẹ học sinh còn là “cầu nối” để thống nhất các hoạt động giữa nhà trường và gia đình, mà còn huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chăm lo tốt đời sống cho đội ngũ giáo viên, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Ngoài ra nhiều nơi đã thực hiện tốt việc phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi; giúp đỡ học sinh yếu, kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục đi học; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm của gia đình về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh.

Chính vì vậy, vai trò của Ban đại diện là rất quan trọng không thể nói bỏ là bỏ, hơn nữa mỗi cha mẹ học sinh nên nhìn lại thực tế và cũng nên tự vấn lại chính mình.

Mỗi cha mẹ học sinh hãy thay vì việc đòi “giải tán” Ban đại diện bằng việc hãy lựa chọn chính những người có cái tâm và lòng nhiệt tình thật sự, sẵn sàng lắng nghe những phản hồi, đóng góp của phụ huynh; biết đặt ra và gợi ý những công việc thiết thực, để thống nhất các hoạt động giữa nhà trường và gia đình…

Nhất là hiểu rõ chức năng, vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh theo quy định hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đưa ra những định hướng đúng đắn, những phương thức hoạt động phù hợp, mạnh dạn đổi mới, tránh chạy theo lối mòn cũ, để thực sự là “cầu nối” hỗ trợ đắc lực cùng nhà trường nâng cao chất lượng học tập của chính con em mình và góp phần thúc đẩy vào sự nghiệp phát triển giáo dục nói chung.

Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, ngày 22/11/2011 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, đã tạo hành lang pháp lý cho tổ chức này hoạt động ngày một hiệu quả hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ