Bức xúc của phụ huynh là chính đáng vì không phải chuyện bây giờ mà hơn chục năm qua bệnh lạm thu trong nhà trường vẫn chưa được trị dứt. Và những năm sau tình trạng bệnh có dấu hiệu càng nặng thêm.
Nhưng liệu việc xóa ban đại diện cha mẹ học sinh có chấm dứt được lạm thu? Nhiều phụ huynh kể mỗi lần họp phụ huynh luôn có phần vận động đóng góp cho nhà trường. Lúc này lại thấy ông hay bà ban đại diện đứng lên kêu gọi, vậy lạm thu không từ ban đại diện thì là gì?
Cũng có nhiều vị phụ huynh khác cho rằng lạm thu không bắt nguồn từ ban đại diện cha mẹ mà từ hiệu trưởng. Nói rằng ban đại diện vận động nhưng không có hiệu trưởng gật đầu thì sao thực hiện? Luật Giáo dục ghi rõ hiệu trưởng chịu toàn bộ trách nhiệm về những hoạt động xảy ra trong nhà trường.
Trong khi đó, nhiều hiệu trưởng lại đổ thừa do phụ huynh. Chính phụ huynh đề đạt làm này làm kia để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em họ. Mình là hiệu trưởng làm sao từ chối nguyện vọng chính đáng đó được?
Và chừng nào chưa tìm ra nguyên nhân thì tình trạng lạm thu vẫn còn. Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận đúng là ở một số nơi, ban đại diện cha mẹ học sinh chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo như Thông tư 55/2011 về ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ở một số trường học đã lợi dụng ban đại diện cha mẹ học sinh để đưa ra những khoản thu không đúng quy định. Để xảy ra tình trạng này có lỗi thuộc về ban đại diện cha mẹ học sinh và hiệu trưởng chưa làm đúng trách nhiệm của mình.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng không nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh. Bởi họ là những người góp phần quan trọng kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh. Nếu không có sự kết nối này thì việc quản lý, giáo dục học sinh sẽ không hiệu quả.
Vấn đề là, theo Thứ trưởng Nghĩa là làm sao để hoạt động của ban đại diện cha mẹ không bị biến tướng thành những người tổ chức thực hiện việc lạm thu. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của xã hội.
Để làm điều này có lẽ cần thống nhất lại nội hàm của cụm từ “xã hội hóa giáo dục”. Đây là một chủ trương đúng nhưng khi thực hiện thì mỗi nơi làm một kiểu. Kiểu thô lậu nhất là chia đều mỗi phụ huynh đóng góp một suất như nhau.
Đây là kiểu làm phát sinh lạm thu và bị phụ huynh phản ứng nhiều nhất. Vì nó vi phạm điều cấm kỵ nhất: sự tự nguyện đóng góp của phụ huynh. Thay cho cách làm đó, nhiều nơi ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ vận động phụ huynh là doanh nhân, người giàu.
Và nội dung vận động là liên quan trực tiếp đến việc học hành của con em họ như phần thưởng cuối năm, trại hè dã ngoại, du lịch thực tế… Còn ở nghĩa rộng hơn, xã hội hóa giáo dục là vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập trường. Càng nhiều trường học xã hội hóa thì ngân sách nhà nước sẽ dồn cho những trường công lập để nâng cao cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị…
Trên thực tế đã có nhiều ban đại diện cha mẹ làm tốt công tác xã hội hóa. Chất lượng giáo dục cùng cơ sở vật chất ở những trường này được nâng lên rõ rệt. Vậy thì thiết chế ban đại diện cha mẹ trong nhà trường là không thể xóa bỏ.
Vấn đề còn lại là phải hiểu cho đúng xã hội hóa giáo dục. Hiệu trưởng, ban đại diện cha mẹ và cả phụ huynh đều phải hiểu. Và phía đơn vị quản lý ngành phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Có vậy mới hy vọng chấm dứt lạm thu!