Sự chung tay của nhiều bộ, ngành
Sáng 11/12, Thứ trưởng Ngô Thị Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ GD&ĐT dự Tọa đàm xin ý kiến dự thảo quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật (NKT) và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên. Tại các địa phương, ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh/thành phố trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các đề án.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu định hướng tại Toạ đàm. |
Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định, những nỗ lực đó thể hiện ở việc hoạch định chính sách; tạo điều kiện để có thể triển khai nhiều phương thức giáo dục; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và công tác nghiên cứu giáo dục đặc biệt đối với học sinh khuyết tật.
Bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng đối với NKT là một chủ trương được Đảng, Nhà nước quan tâm thể hiện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như: Hiến pháp 2013; Luật Giáo dục 2019, Đề án 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 về Chương trình hỗ trợ người khuyết tật; Luật Người Khuyết tật 2010...
TS Nguyễn Thị Kim Hoa nêu báo cáo thực trạng của dự thảo quy hoạch. |
Báo cáo tại đây, TS Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia, Viện Khoa học GD Việt Nam trình bày về báo cáo thực trạng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tính đến nay, toàn quốc hiện có 48 cơ sở giáo dục chuyên biệt cấp huyện và cấp tỉnh, 14 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh trực thuộc Sở GD&ĐT quản lý. Ngoài ra còn có các cơ sở hỗ trợ phục hồi chức năng do ngành LĐTBXH quản lý nhưng thực hiện chức năng giáo dục dành cho NKT.
GS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam cho biết, mục tiêu của dự thảo quy hoạch tới năm 2025, tầm nhìn 2030 sẽ phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên biệt và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập bảo đảm về cơ cấu, số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục cho NKT.
Tiếng nói từ cơ sở
Tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ ngành Giáo dục, LĐTBXH, Nội vụ, Y tế của một số tỉnh thành. |
Đại diện Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị này được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1982, hiện đang chăm sóc, giáo dục cho khoảng 300 cháu. Các em bao gồm cả trẻ khuyết tật nghe nói, trẻ phát triển chậm về trí tuệ. Với trẻ khuyết tật nặng nếu không qua trường chuyên biệt thì sẽ rất khó khi học hòa nhập với học sinh bình thường do các em không thể theo được.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, về quy hoạch các cơ sở Giáo dục chuyên biệt trong thời gian tới, thành phố sẽ ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng lại Trường Tiểu học Bình Minh và Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn. Bố trí quỹ đất để xây dựng ít nhất 1 trường chuyên biệt mới dành cho trẻ khuyết tật, trẻ em tự kỷ tại 4 khu vực; trong đó, có 2 vị trí thuộc đô thị trung tâm.
Bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ ý kiến tại tọa đàm. |
Thành phố cũng sẽ huy động trên 95% trẻ khuyết tật đi học các lớp phổ cập, trường chuyên biệt.
Thành phố phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện đầu tư, xây dựng trường phổ thông chuyên biệt cho trẻ khuyết tật của Hà Nội (Cụm Trường Tiểu học Bình Minh và Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn) tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên với tổng diện tích khoảng 2,6 ha.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy chia sẻ góp ý tại Tọa đàm. |
Ông Phạm Khương Duy - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc nêu ý kiến: Về lập quy hoạch chỉ nói về cơ sở và quan tâm đến NKT. Nhưng bên Trung tâm bảo trợ thì ngoài NKT còn có cả người già cô đơn, trẻ mồ côi. Mục tiêu của dự thảo cần làm rõ và phù hợp với thực tế.
Cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở giáo dục chuyên biệt và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Đối tượng nào thì được vào một trong 3 loại hình cơ sở này. Ngành Y tế phải cung cấp thông tin dự báo về con người cho ngành Giáo dục và ngành LĐTBXH.
GS Lê Anh Vinh trao đổi một số ý kiến với đại diện một số địa phương về giáo dục chuyên biệt với trẻ khuyết tật. |
Là địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn, đại diện Sở GD&ĐT Cao Bằng cho biết, từ tháng 9/2019, Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật sáp nhập và trực thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn. Sở có tham mưu với tỉnh để đầu tư, nâng cấp cho trung tâm nhưng vẫn còn vướng mắc.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nam nêu quan điểm, cần xem xét lại tính khả thi về mục tiêu của dự thảo quy hoạch đến năm 2030. Khó khăn lớn nhất là con người và cơ sở vật chất; đây là điều kiện tiên quyết quyết định sự thành bại của quy hoạch này. Việc đào tạo, đãi ngộ với đội ngũ giáo viên cần được quan tâm đúng mức.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận và tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu; đồng thời nhấn mạnh, để dự thảo quy hoạch được hoàn thiện cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành. Cần tính toán con số cụ thể về đội ngũ giáo viên trong quy hoạch để mọi người cùng nắm bắt. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền được tiếp cận cơ hội học tập cho học sinh khuyết tật trên toàn quốc.