Trẻ khuyết tật gặp khó khăn về ngôn ngữ
Theo tổ chức Trinh Foundation, Việt nam ước tính có 13 triệu người có rối loạn giao tiếp và nhai nuốt cần đến các dịch vụ hỗ trợ của ngữ âm trị liệu. Đây là một con số cho thấy nhu cầu đáng kể của người khuyết tật về ngôn ngữ giao tiếp cần được hỗ trợ trực tiếp ngay từ khi còn nhỏ.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ khuyết tật đi học hòa nhập tại các trường mầm non và phổ thông ngày một gia tăng. Việc thực hiện những điều chỉnh dạy học và hỗ trợ cá biệt do GV thực hiện ở trên lớp là hết sức cần thiết để trẻ khuyết tật có thể học tập, giao lưu và phát triển.
Tuy nhiên hỗ trợ đó là hoàn toàn chưa đủ, trẻ em có những rỗi loạn về lời nói, ngôn ngữ và giao tiếp cần được hỗ trợ giáo dục và trị liệu phù hợp giúp các em vượt qua khỏi các rào cản và khó khăn về giao tiếp, học tập để tham gia học hòa nhập tự tin và hiệu quả hơn. Mặt khác, giáo viên đứng lớp, cha mẹ của trẻ và nhà trường cũng rất cần những lời khuyên và giúp đỡ của chuyên gia trong mỗi trường hợp cụ thể.
Xu hướng chung hiện nay trên thế giới về thực hiện can thiệp và trị liệu lời nói, ngôn ngữ và giao tiếp có hiệu quả không tập trung vào mô hình truyền thống chỉ chú trọng đến người trị liệu với trẻ, mà hướng đến các mô hình có sự tiếp cận tương tác 3 phía bao gồm cha mẹ - trẻ - người hướng dẫn và được thực hiện tại cộng đồng, nhà trường.
Trong những năm qua, ở Việt nam đã có nhiều hoạt động tăng cường chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế trong việc đánh giá, trị liệu và hỗ trợ về ngôn ngữ, lời nói và giao tiếp của trẻ.
Cần xây dựng bộ chuẩn hóa với các tiêu chí đánh giá
Quang cảnh chung của Hội thảo |
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Thiệp, Phó trưởng Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội nhấn mạnh: Nhưng nỗ lực trong nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn trị liệu và hỗ trợ giáo dục ngôn ngữ cho trẻ có nhu cầu đặc biệt ở Việt Nam đã tạo tiền đề cho việc phát triển chuyên ngành tương ứng.
Bên cạnh đó còn có khoảng cách lớn giữa năng lực chuyên môn, khả năng cung cấp dịch vụ với nhu cầu thực tế trong đánh giá và hỗ trợ giáo dục phát triển ngôn ngữ cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.
Hội thảo Quốc gia về Trị liệu lời nói, ngôn ngữ và giao tiếp: Đánh giá và hỗ trợ trong Giáo dục hòa nhập là hoạt động hướng đến phát triển chuyên môn và dịch vụ tương ứng. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà chuyên môn về trị liệu ngôn ngữ, giáo viên giáo dục đặc biệt và hòa nhập cùng giới thiệu chia sẻ, bàn thảo về các thông tin và đề xuất các định hướng phát triển lĩnh vực này sâu hơn, hướng tới chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực chuyên môn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.
Đưa ra các giải pháp về việc nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên môn, chất lượng đánh giá trị liệu và GD hòa nhập, Bà Nguyễn Quý Sửu, đại diện Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh khó khăn – Bộ GD&ĐT cho rằng: Cần phải xây dựng bộ chuẩn hóa với các tiêu chí đánh giá về lời nói, ngôn ngữ, giao tiếp phù hợp với văn hóa, bối cảnh và sự phát triển của trẻ em Việt Nam.
Tìm hiểu mô hình và áp dụng các hướng can thiệp, trị liệu lời nói, ngôn ngữ và giao tiếp dựa trên minh chứng và hiệu quả phù hợp với điều kiện ở Việt Nam; Nâng cao nhận thức cộng đồng về nhu cầu can thiệp, trị liệu lời nói, ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ.
Tập huấn bồi dưỡng đội ngũ giáo viên GD đặc biệt, giáo viên các trường hòa nhập về hỗ trợ lời nói, ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt; Các trung tâm hỗ trợ, các trường hòa nhập cần tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ, giáo viên có thể chủ động hơn trong nhận diện và đáp ứng nhu cầu và khả năng của trẻ về lời nói, ngôn ngữ và giao tiếp…