Cần đi trước một bước trong vấn đề vắc xin phòng Covid-19

GD&TĐ - Phát biểu thảo luận (sáng 21/10), đại biểu Bùi Văn Cường (đoàn Hải Dương) - nhấn mạnh, cần đi trước một bước trong vấn đề vắc xin phòng Covid-19.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban kinh tế và Uỷ ban xã hội; đại biểu Bùi Văn Cường ghi nhận: Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá khách quan, toàn diện về những mặt đã đạt được, những hạn chế tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp trong năm 2022.

Theo đại biểu, trong lĩnh vực phòng chống dịch Covid-19, báo cáo đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại như: công tác phòng chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Vẫn còn thiếu nhất quán trong triển khai biện pháp phòng chống dịch, nhất là yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội tại cơ sở; việc thực hiện các quy định đi lại của người dân, lưu thông hàng hoá còn thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cho nhân dân.

Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vắc xin so với một số nước còn chậm và gặp nhiều khó khăn… “Chúng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, không tô hồng cũng không bôi đen” – ông Cường nói và cho biết năm 2020 nước ta được đánh giá là điểm sáng về phòng chống dịch và phát triển kinh tế của thế giới.

Đại biểu Bùi Văn Cường nhấn mạnh đến thành công trong việc ngoại giao vắc xin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội trong các cuộc điện đàm, trao đổi cấp cao, gặp gỡ song phương, đa phương đều có những kiến nghị liên quan đến hỗ trợ vắc xin.

Nhờ đó, chúng ta đã có nguồn vắc xin để việc chống dịch căn cơ hơn. Đại biểu cũng ghi nhận những cố gắng của đội ngũ tuyến đầu, y tế cơ sở trong cuộc chiến chống dịch Covid -19.

Đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị, cần có quản trị quốc gia, chỉ huy thống nhất thì mới tạo ra về sự phát triển kinh tế cũng như quyền tự do đi lại của người dân.

Về giải pháp cho năm 2022 đã đầy đủ, với 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp căn cơ. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất có thêm phần nhiệm vụ trọng tâm. Nếu dàn đều các nhiệm vụ, giải pháp này sẽ không khác mấy so với năm 2019, 2020, 2021.

Do đó, cần một nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung thực hiện trong năm 2022. Ví dụ, về vấn đề phòng chống dịch, cần tập trung giảm tỉ lệ tử vong, tiêu chí xác lập tình trạng bình thường như thế nào để các địa phương cùng áp dụng giúp cho giao thương, đi lại của người dân mới thuận lợi.

Các địa phương có thể ban hành các quy định phù hợp nhưng không vi phạm các tiêu chí về bình thường mới. Đặc biệt, cần tập trung về vấn đề vắc xin, nhất là với những “vùng trũng”, vùng miền núi và dân tộc thiểu số.

Hiện, tỉ lệ tiêm chủng 2 mũi ở Đắc Lắk, Gia Lai mới được khoảng 5%, tỉ lệ tiêm mũi 1 mới chỉ khoảng 11% trên tổng số dân số. Điều này không đảm bảo cho công tác phòng chống dịch cho cộng đồng

Đại biểu đoàn Hải Dương nhấn mạnh, cần đi trước một bước trong vấn đề vắc xin phòng Covid-19. Với các hãng dược phẩm sản xuất có nghiên cứu, bắt đầu sản xuất, nước ta có thể đặt hàng ngay, phải đi tắt đón đầu so với các nước khác. Nếu để bị động, chạy theo sẽ khó khăn trong việc tiếp cận.

Bên cạnh đó, cần xem xét đến việc sản xuất, lưu thông hàng hoá, cải cách hành chính…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ