Cần đa dạng hóa đối tượng được xét tặng học bổng

GD&TĐ - Chính sách học bổng tại các trường đại học (ĐH) vốn được xem là chính sách nhân văn và hết sức thiết thực trong việc động viên, tiếp sức sinh viên (SV) hàng năm, ngoài sự hỗ trợ trực tiếp của các Doanh nghiệp (DN), hàng chục ngàn SV tại các trường ĐH đã nhận được sự đồng hành từ nhà trường để được tiếp bước trên con đường tri thức. Tuy nhiên, có một thực tế là những quy định về việc cấp học bổng cho SV ít nhiều đã bộc lộ sự gò bó… 

Cần đa dạng hóa đối tượng được xét tặng học bổng

Đa dạng đối tượng cấp học bổng

Bản chất của chính sách học bổng là hỗ trợ, động viên và khuyến khích những SV học giỏi. Tuy vậy, các tiêu chí được quy định rõ trong Thông tư số 31/2013/TT-BGDĐT ngày 1/8/2013 của Bộ GD&ĐT (Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 2 Quyết định số 44/2007/QĐ-BGDĐT) về đối tượng bình xét, lựa chọn, vô hình chung đã bó buộc sự đa dạng đối tượng được hưởng chính sách học bổng.

Ông Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết: Chiếu theo quy định của Thông tư số 31/2013/TT-BGDĐT thì các trường ĐH công lập hàng năm cứ trích lập quỹ học bổng bằng 8% (mức tối thiểu) từ nguồn học phí ra để hỗ trợ cho SV.

Việc xét chọn học bổng khuyến khích học tập sẽ theo phương thức xét lấy từ trên xuống (dựa vào điểm trung bình học tập và kết quả rèn luyện) cho đến hết quỹ.

Những trường hợp khác (khó khăn đột xuất, vượt khó học giỏi, đạt giải thi quốc tế hay nghiên cứu khoa học) nếu muốn xét hỗ trợ trường phải dựa vào một quỹ học bổng khác.

“Thật ra với mức trích lập tạo quỹ khuyến khích học tập theo quy định (tối thiểu 8%) từ học phí như hiện nay là tương đối ổn và không thấp.

Với một trường có số lượng SV khoảng 4-5 ngàn thì số lượng được xét học bổng sẽ khá nhiều. Như trường tôi, mỗi năm học bổng trích từ học phí đã là 15 tỉ đồng (chưa tính DN hỗ trợ) với bình quân mỗi suất dao động từ 8-10 triệu/năm, số SV được thụ hưởng chính sách học bổng khuyến khích học tập là rất lớn, khoảng 30%.

Chỉ cần SV đạt đủ các tiêu chí, các em sẽ được nhận học bổng theo quy định”- ông Thưởng thông tin. 

Nhưng theo đại diện nhiều trường ĐH, vấn đề của Thông tư 31 nằm ở chỗ nó khiến các trường không thể mở rộng diện SV mà họ muốn xét, đối tượng mà trường muốn ưu tiên thu hút, vì thực tế hiện nay đối tượng để xét học bổng khá đa dạng, phong phú.

Những quy định có tính bó buộc và giới hạn đối tượng được ưu tiên, xem xét của Thông tư 31 khiến không ít trường dư quỹ học bổng khuyến khích học tập.

Thực tế này cộng với xu hướng cạnh tranh và thu hút SV có điểm thi cao giữa các trường ĐH công lập và trường ĐH ngoài công lập (NCL) mấy năm trở lại đây cho thấy đã đến lúc cần phải tháo bỏ sự gò bó của Thông tư 31, để các trường có thể đa dạng hóa nguồn học bổng hỗ trợ, thu hút SV.

Theo khảo sát hiện nay, rất nhiều trường ĐHNCL, thậm chí cả trường công lập, ngoài các diện học bổng khuyến khích học tập theo quy định của Bộ GD&ĐT còn thực hiện rất nhiều học bổng khác song hành như:

Học bổng thu hút, học bổng cho Thủ khoa, học bổng cho SV tài năng, học bổng cho SV vượt khó học giỏi, học bổng hỗ trợ thí sinh vùng khó vào trường học tập… Phần nhiều các học bổng ấy được các trường tạo lập từ việc kêu gọi sự đồng hành của DN, từ các cựu SV, từ nguồn xã hội hóa…

TS Hà Thúc Viên - Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức cho biết: Mỗi năm nguồn tài chính dành cho học bổng của trường là rất lớn.

Muốn thu hút thí sinh có điểm thi THPT quốc gia cao (đầu vào chất lượng) thì trường “treo thưởng” bằng những suất học bổng trị giá toàn phần hoặc bán phần học phí/năm.

“Khoản này phải lấy từ quỹ chính sách xã hội, quỹ học bổng khác của trường (phối hợp với DN) chứ không được lấy từ quỹ khuyến khích học tập mà Bộ GD&ĐT quy định. Đây thật sự là điều cần được tháo gỡ để các trường thực hiện tốt hơn chính sách học bổng của mình”- Tiến sĩ Hà Thúc Viên nêu ý kiến.

Các trường cần được chủ động trong việc tạo quỹ và xét tặng đối tượng

Có thể thấy, các trường tự chủ tài chính, trường NCL khá chủ động trong việc thực hiện chính sách học bổng khuyến khích học tập, khuyến học khuyến tài, thu hút người giỏi theo cơ chế tự chủ tài chính như hiện nay.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nhìn nhận:

Việc tự chủ tài chính mang đến nguồn lực tài chính ổn định hơn cho trường so với trước kia. Một điểm thay đổi rõ rệt là quỹ học bổng của trường nhằm hỗ trợ SV nghèo học giỏi, SV thuộc đối tượng chính sách, SV ưu tú tăng lên rất nhiều.

Bình quân một năm trường chi cho các quỹ học bổng không dưới 16 tỉ đồng. “Đây rõ ràng là điều rất vui. Bởi khi được chủ động, Ban giám hiệu nhà trường đã mở rộng tối đa đối tượng được xét, hỗ trợ học bổng.

Mục tiêu là giúp các em khó khăn yên tâm học tập. Những năm trước, nhiều SV rất khó khăn nhưng chiếu theo các quy định thì các em không xếp được vào diện nào. Hai năm nay với quỹ học bổng tốt, có nhiều DN đồng hành với nhà trường nên hầu hết những SV gặp khó đều được nhà trường hỗ trợ”- PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn cho biết.

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật cũng cho rằng sẽ tốt hơn nhiều nếu để các trường chủ động trong điều tiết nguồn tài chính học bổng và xét duyệt đối tượng được cấp theo các tiêu chí của trường.

Qua đó, việc bỏ sót sự hỗ trợ, nâng đỡ những SV thật sự khó khăn sẽ không còn. Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, thực tế nguồn quỹ học bổng của trường hàng năm từ học phí đều khá lớn (ít thì cũng 7-8 tỉ, nhiều thì 10-15 tỉ).

Tuy nhiên, theo ông, nguồn lực huy động từ xã hội, từ cộng đồng DN mới tạo nên những quỹ học bổng tốt, ổn định, hiệu quả cho SV. Bởi thông qua các nguồn quỹ đó, DN không chỉ giúp được SV và SV không chỉ được nâng đỡ một phần tài chính, quan trọng là qua sự kết nối nhân văn ấy SV sẽ có cơ hội trưởng thành, DN sẽ có được nguồn nhân lực chất lượng đúng theo ý mình khi tiến hành tài trợ học phí và hợp tác đào tạo.

Thực tế, tại các trường ĐH-CĐ quỹ học bổng đều rất đa dạng và được các trường chủ động xây dựng, tìm kiếm từ nhiều kênh trong cộng đồng chứ không chỉ dựa vào mỗi nguồn lực học phí. Trường ĐH Việt Đức mỗi năm có đến 40% SV toàn trường được tiếp cận quỹ học bổng.

TS Hà Thúc Viên chia sẻ: Ngoài quỹ học bổng từ học phí, học bổng từ chính phủ Đức, các đối tác và công ty Đức tại TPHCM, Bình Dương…, trường còn chủ động tìm kiếm nguồn học bổng từ các DN trong các Khu công nghiệp.

Song song đó, nhà trường mời DN đến trao học bổng toàn phần cho SV các ngành nghề mà DN đang cần với cam kết SV ra trường sẽ hợp tác với đơn vị…

“Cách làm trên đã mang đến nguồn quỹ học bổng lớn để trường có thể thực hiện nhiều cơ chế học bổng dành cho SV, thu hút học sinh giỏi về trường, thậm chí học bổng để SV qua Đức học.

Nếu không chủ động trong việc xây dựng các quỹ hỗ trợ, chắc chắn cơ chế học bổng của nhà trường sẽ không thể đa dạng được. Bởi thực tế, số lượng SV được xét duyệt học bổng ngoài quỹ học bổng khuyến khích học tập theo Thông tư 31 là rất nhiều”- TS Viên nói.

Ở một phương diện khác, TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho rằng: Nên minh định việc khen thưởng với việc cấp học bổng. Bởi theo ông, các chính sách học bổng đều hướng đến việc hỗ trợ SV một khoản phí.

Với khoản phí đó SV có thể dùng cho nhu cầu mua sắm tài liệu học tập, thậm chí cả sinh hoạt nhu yếu hàng ngày. Vì vậy, cần phải cho các trường chủ động và mở rộng đối tượng thụ hưởng học bổng, còn việc khen thưởng thì chỉ nên thực hiện với những SV xuất sắc, tài năng và mang tính động viên là chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ