Căn cứ để xử phạt hành vi ép người khác uống rượu

GD&TĐ - Để kết luận một người ép buộc, xúi giục người khác uống rượu, bia, cần căn cứ trên 4 yếu tố cấu thành. Những yếu tố này bao gồm cả mặt khách quan, chủ quan, khách thể và chủ thể.

Nghị định 117 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11. Ảnh minh họa
Nghị định 117 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11. Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến trái chiều

Ngày 28/9, Chính phủ ban hành Nghị định số 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/11 (thay thế Nghị định 176), trong đó có một phần quy định liên quan đến xử phạt hành chính về phòng chống tác hại rượu, bia.

Cụ thể, tại Điều 30 quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Uống rượu, bia tại địa điểm không được uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia. Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; Ép buộc người khác uống rượu bia.

Theo bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đã làm rõ, quy định thêm nhiều địa điểm cấm sử dụng rượu, bia như công viên (ngoại trừ các nhà hàng có bán rượu, bia và được cấp phép trước nghị định này), rạp chiếu phim, cơ sở văn hóa, thể thao...

Việc gia tăng lượng tiêu thụ rượu bia được cho là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy. Uống rượu, bia gây ra hậu quả cấp tính hoặc mạn tính, tác hại cả với người uống, người xung quanh cũng như cộng đồng. Một số tác hại có thể xảy ra ngay sau khi uống là chấn thương, gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu, bia... 

Một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe (mắc bệnh ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu bia...). Ngoài ra, uống rượu, bia cũng có thể gây ra các vấn đề xã hội lâu dài như đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội.

Tuy nhiên, có không ít ý kiến trái chiều liên quan đến quy định trên. Phần lớn ý kiến bày tỏ sự đồng tình ủng hộ đối với quy định này, trong đó có việc xử phạt người ép uống rượu, bia, nhằm giảm thiểu những hậu quả.

Trên thực tế, việc sử dụng, hay “tiếp khách”, “chào mời nhau” bằng bia, rượu là thói quen tiêu dùng đã tồn tại từ lâu ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Thậm chí, nhiều người quan niệm rằng, rượu, bia là phương tiện giao tiếp xã hội.

Anh Đào Anh Tuấn tại Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, lôi kéo, kích bác hay cưỡng ép người khác uống rượu, bia là hành vi thiếu hiểu biết, không tôn trọng và thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

“Đề ra Nghị định 117 là vô cùng cần thiết để tuyên truyền, nhắc nhở, răn đe. Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả, cần phối hợp với Nghị định 100”, anh Tuấn nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Truyền tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, Nghị định 117 không khả thi, bởi khi đi vào thực tế sẽ rất khác so với lý thuyết.

“Hơn nữa, ép hay mời rượu là quyền của người khác. Trong khi đó, lựa chọn phương tiện đi lại sau khi đã uống rượu, bia là quyền của mình”, anh Truyền cho hay.

Cần chứng minh hành vi vi phạm

Điều 34 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu: Không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia trong cơ quan, tổ chức; Không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức; Không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu bia trong địa điểm không được uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý điều hành…

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Trang - Thạc sĩ, nghiên cứu sinh bộ môn Luật hành chính, nhận định: “Xúi giục, ép buộc là ý chí chủ quan, được thể hiện ra bằng hành vi”. 

Cụ thể, theo Thạc sĩ Trang, xúi giục là đưa ra động cơ thúc đẩy để người khác làm theo. Trong khi ép buộc là khiến người phải thực hiện dù không mong muốn, bởi những sức ép nào đó.

“Đối với xúi giục, rõ ràng là người uống chủ động, họ nghe theo lời khích bác. Trái lại, người bị ép buộc không hề mong muốn uống rượu, nhưng vì có áp lực nên bắt buộc phải làm vậy”, Thạc sĩ Trang lý giải.

Theo chuyên gia này, cần căn cứ trên 4 yếu tố cấu thành của vi phạm pháp luật để kết luận hành vi vi phạm. Những yếu tố này bao gồm cả mặt khách quan, chủ quan, khách thể và chủ thể. 

“Khi nào chứng minh được tất cả dấu hiệu đó thuộc 4 yếu tố trên thì mới có thể kết luận là vi phạm và như vậy mới có thể xử phạt được”, Thạc sĩ Trang nhấn mạnh. 

Theo đó, xúi giục hay ép buộc người khác uống rượu, bia là hành vi cần được chứng minh dựa trên cả 4 yếu tố này. Thạc sĩ Trang nhận định, những chủ thể có thẩm quyền sẽ chứng minh được những yếu tố trên, không chỉ về mặt hành vi, mà còn ý chí.

Tức là người đó có thể có lỗi, hay động cơ và mục đích như những gì luật đã mô tả. Khi chứng minh được đầy đủ các dấu hiệu này, mới có thể kết luận là người đó có vi phạm. Và khi chứng minh có vi phạm mới có thể xử phạt. 

“Việc thực hiện luật như thế nào trên thực tế còn nằm ở kỹ năng nghiệp vụ của lực lượng chức năng trong việc chứng minh. Hành vi là phần thể hiện ra bên ngoài, có thể dễ nhận biết. Tuy nhiên, ý chí chủ quan ở bên trong mới là thứ khó để nhận biết.

Tất cả những gì khai thác về ý chí chủ quan sẽ yêu cầu rất lớn về kỹ năng nghiệp vụ của các chủ thể có thẩm quyền. Chứng minh có lỗi hay không, người đó bị ép buộc hay chủ động uống... đều là ý chí thuộc về mặt chủ quan và cần được xác định”, Thạc sĩ Nguyễn Thu Trang nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ