Cần có những cơ sở giáo dục là “đầu tàu” để dẫn dắt hệ thống đại học

Cần có những cơ sở giáo dục là “đầu tàu” để dẫn dắt hệ thống đại học

Kinh nghiệm từ thực tế

Trường Đại học Mở Hà Nội là một trong những trường sớm thực hiện cơ chế tự chủ. TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng, cho biết: Từ năm 2015, nhà trường có mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng trường. “Lúc đầu nhận nhiệm vụ và thực hiện cơ chế tự chủ, đặc biệt khi được tự chủ toàn diện chúng tôi cũng có những khó khăn. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi đã có được những thành công nhất định” – TS Trương Tiến Tùng cho hay.

 Cũng cần hiểu rằng, hội đồng trường chính là các thành viên trong trường. Do vậy, họ sẽ cùng với hiệu trưởng và ban giám hiệu thực hiện nhiệm vụ xây dựng thương hiệu và phát triển nhà trường. Vì thế nếu tách hội đồng trường như một cơ quan giám sát độc lập, bộ máy sẽ rất cồng kềnh, có khi còn giẫm chân lên nhau. Khi đó hiệu quả công việc sẽ không cao. 
TS Trương Tiến Tùng

Theo TS Tùng, Luật số 34 có hiệu lực, do đó chúng ta không bàn lùi mà phải thực hiện nghiêm túc. Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện cơ chế tự chủ, TS Tùng “bật mí”: Việc đầu tiên phải phân ngôi rõ ràng như: Đảng ủy xác định phương hướng phát triển; Hội đồng trường định hướng phát triển nhà trường theo chiến lược đã được phê duyệt; Ban giám hiệu sẽ xây dựng kế hoạch dài hạn (ít nhất là 5 năm - kế hoạch trung hạn) và có kế hoạch cụ thể trong từng năm. Hội đồng trường sẽ thông qua báo cáo của Ban giám hiệu về thực hiện nhiệm vụ kế hoạch. Sau đó cùng nhau phân tích và xác định bước đi tiếp theo, nếu cần sẽ hiệu chỉnh chiến lược phát triển.

“Chúng tôi đã quy định với nhau như vậy để cùng thực hiện nhiệm vụ chung là: Dẫn dắt nhà trường phát triển theo đúng lộ trình, cam kết với Bộ GD&ĐT và với xã hội” – TS Tùng chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Với cơ chế hoạt động này, buộc ban giám hiệu phải công khai, minh bạch trên mọi phương diện; đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho nhà trường. Qua đó, hội đồng trường có thể tham gia và cùng giám sát nhiệm vụ của các thành viên trong ban giám hiệu.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Sẽ xử phạt những trường vi phạm luật

Mới đây, tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 99, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phân tích một số nội dung liên quan đến Nghị định này. Bộ trưởng khẳng định: Luật số 34 đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực; do đó các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện theo Luật. Việc thực hiện Luật số 34Nghị định 99 sẽ có thời hạn và lộ trình. Trong quá trình thực hiện, sẽ có giám sát và chế tài xử phạt nếu cơ sở giáo dục đại học nào vi phạm Luật.

Trước băn khoăn của một số lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học về tiêu chí để trở thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu, Bộ trưởng trao đổi: Chúng ta cần có những cơ sở giáo dục đại học theo hướng nghiên cứu có chất lượng. Điều này rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và trung tâm đổi mới sáng tạo.

Tới đây, Bộ GD&ĐT và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định về nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Đây là cơ hội lớn để các đại học, trường đại học có thêm động lực phát triển nghiên cứu khoa học. “Đây là việc khó, nhưng sẽ quyết tâm làm trong năm nay. Khi đó, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có hành lang pháp lý để đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nhà trường” – Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, tới đây sẽ rà soát: Nếu trường nào có sản phẩm tốt sẽ có chính sách để tạo động lực cho trường đó tiếp tục phát triển. Chúng ta sẽ đầu tư dựa vào sản phẩm của các trường, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư dàn trải. Chúng ta cần có những cơ sở giáo dục đại học là “đầu tàu” để dẫn dắt hệ thống đại học. Có như vậy mới góp phần đổi mới bậc học này.

Về mô hình đại học hai cấp, Bộ trưởng nhấn mạnh: Hai cấp không có nghĩa là phép cộng của các trường đại học, mà phải rõ ràng rằng: Đại học tập trung vào hoạch định chiến lược, những vấn đề lớn; còn các trường đại học thành viên phải được tự chủ cao; liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh tổng hợp.

Cùng với đó, các đại học không can thiệp quá sâu vào hoạt động của các trường đại học thành viên. Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT tham mưu, sửa đổi Nghị định 186/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 “Về đại học quốc gia”. Trên tinh thần ấy, Bộ trưởng đề nghị hai đại học quốc gia chủ động đề xuất những nội dung cần điều chỉnh, trong đó có chính sách về tự chủ.

Để bảo đảm các đại học vùng và các trường thành viên hoạt động đúng vai, chúng ta cũng cần đặt vấn đề sửa đổi thông tư về Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên. Các đại học tránh can thiệp sâu và coi trường đại học như một khoa. Mỗi một trường đại học thành viên phải là cơ sở giáo dục đại học, được quyền tự chủ và tất nhiên phải cùng nhau chia sẻ nguồn lực, hướng tới mục tiêu chất lượng, chứ không phải muốn làm gì thì làm.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các tiêu chí để được công nhận cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu  đã được quy định trong Nghị định 99. Do vậy chúng ta không đặt vấn đề nâng lên hay hạ xuống. Các trường đạt được đến đâu thì sẽ công nhận đến đấy. Sau khi Nghị định này có hiệu lực, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có cơ sở để đầu tư và định hướng phát triển. Luật số 34 và Nghị định 99 chú trọng đến tính chủ động tự chủ của các trường, gắn với trách nhiệm giải trình.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.