Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với công tác điều tra cơ bản dầu khí

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội cho rằng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với công tác điều tra cơ bản dầu khí. Đồng thời bổ sung quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu, cung cấp hàng hoá, dịch vụ hoạt động dầu khí.

Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.
Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi vào công tác điều tra cơ bản dầu khí

Đóng góp ý kiến về công tác điều tra cơ bản dầu khí trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần thể hiện đầy đủ và toàn diện các yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW. Cụ thể là nâng cao năng lực của ngành Dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới.

Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu, kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Bên cạnh đó, công tác điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải được phát triển trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại và huy động nguồn lực từ bên ngoài và nội tại của đất nước. Khai thác tài nguyên dầu khí một cách hiệu quả, tận thu và không bỏ phí tài nguyên dầu khí, đảm bảo an toàn môi trường.

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra nhanh chóng, cần hỗ trợ để tài nguyên dầu khí được khai thác kịp thời và đưa vào sử dụng đảm bảo giá trị vốn có (làm nhiên liệu, nguyên liệu). Quản lý các hoạt động dầu khí theo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế và tuân thủ các quy định của Nhà nước nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư.

Điều cần quan tâm đặc biệt là hoạt động dầu khí cần gắn liền với khẳng định chủ quyền biển, đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước. Đó là những nội dung cốt lõi cần được nghiên cứu, rà soát và bổ sung vào các điều, khoản có liên quan của dự thảo Luật.

Một là, về công tác điều tra cơ bản dầu khí, ngoài việc điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí và các hoạt động liên quan, cần quan tâm đến hoạt động chế biến để tạo các sản phẩm hóa dầu với giá trị gia tăng cao hơn và phù hợp với định nghĩa ở Khoản 9, Điều 3 và bổ sung giải thích từ ngữ về điều tra cơ bản dầu khí trong dự thảo Luật.

Công tác điều tra cơ bản dầu khí cần đầu tư nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi vào Điều 5 để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác điều tra cơ bản dầu khí cũng như các hoạt động dầu khí khác, nhất là ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Mặt khác, cần có cơ chế để kết hợp các hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực của các cơ quan, chia sẻ thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra để tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng điều tra biển.

Hai là về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động dầu khí, vấn đề môi trường lớn nhất trong hoạt động dầu khí là sự cố tràn dầu. Các sự cố tràn dầu “không rõ nguyên nhân” diễn ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn về kinh tế và để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường biển.

Nguy hiểm hơn, khó phát hiện hơn và gây hậu quả lâu dài là hiện tượng dầu âm thầm rò rỉ, thoát ra biển do các hoạt động dầu khí như: xử lý không tốt các lỗ khoan thăm dò và lỗ khoan sau khai thác, khi triển khai hoạt động khai thác, thu dọn công trình dầu khí…

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật làm rõ và bổ sung vào trong dự thảo Luật các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và cơ quan quản lý trong việc xây dựng, trình duyệt và kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

Bổ sung quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ

Đại biểu Đào Hồng Vận, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Đại biểu Đào Hồng Vận, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đào Hồng Vận, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên nhất trí về việc cần thiết phải ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm góp phần thiết lập khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để thúc đẩy phát triển hoạt động dầu khí. Đặc biệt là khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, tận thu không bỏ phí nguồn tài nguyên hóa thạch quốc gia. Đồng thời đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí, đại biểu Đào Hồng Vận đề nghị bổ sung quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoạt động dầu khí.

Ngoài ra, đối với việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ để phục vụ hoạt động dầu khí, đại biểu Đào Hồng Vận đề nghị tất cả các chủ thể khi tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoạt động dầu khí cần tuân thủ theo một quy trình nhất định được quy định tại Luật Dầu khí và hợp đồng dầu khí. Quy định này là cần thiết để bảo đảm bảo tính khả thi trong quá trình lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoạt động dầu khí.

Đại biểu cho rằng, với một hợp đồng dầu khí PSC có sự tham gia của các nhà thầu nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn doanh nghiệp nhà nước mà mỗi nhà thầu phải áp dụng các quy định pháp luật riêng để thực hiện dự án dầu khí thì sẽ gây ra sự chồng chéo, không khả thi trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, đại biểu Đào Hồng Vận cũng đề nghị bổ sung các quy định về thẩm quyền phê duyệt dự án dầu khí và thẩm quyền phê duyệt dự án dầu khí của PVN trong trường hợp phân cấp, ủy quyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.

Trịnh Ngọc Thanh Tú nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT

Nữ sinh phố núi ước mơ thành cô giáo

GD&TĐ - Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) luôn nuôi ước mơ làm cô giáo để nối tiếp truyền thống gia đình.