Di sản quý giá
Trong số 30 hiện vật, nhóm hiện vật vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia có tới 5 hiện vật đại diện của văn hóa Đông Sơn cách nay 2.000 - 2.500 năm như trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh...
Văn hóa Champa cũng có 5 hiện vật trở thành bảo vật: Tượng Phật Đồng Dương, tượng nữ thần Devi, tượng bồ tát Tara, đài thờ Mỹ Sơn E1, đài thờ Trà Kiệu.
Các hiện vật như ấn đồng, bình gốm, tượng Phật, cửu đỉnh… thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam Lý – Trần – Lê rồi đến nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn được công nhận là bảo vật quốc gia. Đáng chú ý là 3 bảo vật thuộc nền văn hóa Óc Eo là: Tượng thần Vishnu, tượng Phật Lợi Mỹ, tượng thần Surya.
Giá trị lịch sử của các bảo vật là vô giá, việc bảo quản, lưu giữ các bảo vật này là nỗi trăn trở của nhiều nhà nghiên cứu về di sản. Hầu hết các bảo tàng hoặc các địa phương chưa đáp ứng ngay được yêu cầu cao của việc bảo tồn và gìn giữ các bảo vật quốc gia. Ngay cả với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam hiện có 12 trong số 30 bảo vật cũng đang lúng túng trong việc gìn giữ các cổ vật.
PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học - cho biết: “Các bảo vật quốc gia giá trị rất cao nhưng nhiều nơi chưa có điều kiện bảo tồn phát huy tương ứng giá trị của nó. Vì thế, cần có báo cáo định kỳ về việc bảo vật được trông nom và phát huy ra sao”.
Cần có một quy chế đặc biệt trong việc gìn giữ
Bảo tồn, giữ gìn tốt các di tích, di sản, các bảo vật, không chỉ góp phần giáo dục giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà ở nhiều địa phương, các di sản văn hóa, các bảo vật quốc gia đã trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự lo ngại về cách ứng xử với bảo vật quốc gia là nỗi lo chung của toàn xã hội.
Điển hình là “tai nạn” của năm 2014, bảo vật quốc gia chùa Đọi (Duy Tiên, Hà Nam) là bài học đắt giá về việc ứng xử thô bạo với bảo vật quốc gia, có lẽ các nhà quản lý đang dần... rút kinh nghiệm.
GS Trần Lâm Biền - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia - cho rằng: Hiện tại để phát huy giá trị hiện vật, các chương trình giáo dục lịch sử văn hóa rất quan trọng.
“Nó nên được đưa vào giáo dục lịch sử văn hóa địa phương. Nó phải kết hợp cả văn học, sân khấu, báo chí, truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng có lẽ vẫn cần phải có một chương trình kết hợp với truyền thông để quảng bá sâu rộng. Từ phía quản lý cấp Bộ, rất cần phải có chương trình quốc gia”.
Theo TS Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, cần có một quy chế đặc biệt trong việc gìn giữ các bảo vật. Bảo vật quốc gia cần đưa ra để cho nhân dân biết được đâu là tài sản quốc gia cần được gìn giữ, đồng thời, cảm thấy tự hào vì có những di sản như thế.
Việc giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với di sản văn hóa là công việc có ý nghĩa quan trọng để hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó, việc đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở cũng rất cấp thiết. Do gắn bó chặt chẽ với dân, nên chính họ là người có thể kịp thời phát hiện sớm nhất những sai phạm hay những biến động bất thường diễn ra trên địa bàn. Họ cũng là người có thể tham gia góp ý, phản biện các dự án bảo tồn văn hóa trên địa bàn một cách cụ thể và sát thực nhất.