Lần đầu tiên trong lịch sử lĩnh vực đóng tàu quân sự VN đã ghi nhận một dấu mốc quan trọng: đóng mới thành công hai tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya.
Đây là thành quả của 10 năm chuẩn bị và là nỗ lực của hàng trăm con người trong hơn 1.600 ngày đêm làm việc tại Tổng công ty Ba Son.
Ngày 17-7-2014, trong lễ thượng cờ tại Vùng 2 hải quân, quốc kỳ và hải kỳ đã tung bay trên nóc cabin thượng tầng của hai tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya HQ 377 và HQ 378. Đây là cặp tàu tên lửa đầu tiên do VN tự đóng mới.
Trước đó, cặp tàu tên lửa HQ 377 và HQ 378 đã được đưa đi nghiệm thu kỹ thuật nội bộ (thử đường dài), bắn đạn pháo cấp Quân chủng hải quân. Đặc biệt, ngày 28-4-2014, Bộ Quốc phòng đã chủ trì cuộc nghiệm thu bắn tên lửa hai tàu HQ 377 và HQ 378.
“Đây là lần đầu tiên VN bắn thử tên lửa chống hạm” - đại tá Đỗ Đức Vượng, giám đốc Xí nghiệp vũ khí điện tử (thuộc Tổng công ty Ba Son), cho biết. Lần đầu tiên bắn thử một vũ khí mới mà toàn bộ hệ thống vũ khí đó do mình lắp đặt và hiệu chỉnh, trách nhiệm nặng nề trĩu nặng lên vai anh - người đảm bảo về kỹ thuật cho buổi nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng.
Bao áp lực dồn nén và cả hồi hộp, lo lắng đã vỡ òa khi tên lửa cả hai tàu lao đi đều trúng mục tiêu ngay từ loạt bắn đầu. Xung quanh là những tràng vỗ tay, những tiếng reo sung sướng. Còn anh lặng đi vì xúc động và tự hào đang trào dâng.
Đó là khoảnh khắc mà anh và tất cả những người ở Ba Son đã chờ đợi hơn bốn năm qua. Đứa con bằng xương bằng thịt sau bao nhiêu năm ấp ủ, chờ đợi, có cả hồi hộp, lo lắng và suốt bốn năm sáu tháng gấp rút tạo ra hình hài cho nó nay đã cho quả ngọt.
Ngay cả những chuyên gia nước ngoài đi cùng cũng tỏ ra ngạc nhiên và khâm phục khi tàu tên lửa do VN đóng bắn trúng mục tiêu ngay từ loạt đầu mà không phải hiệu chỉnh nhiều lần như nước họ.
Cột mốc này đã mở ra một tương lai đầy triển vọng: VN đã tự tin hoàn toàn có đủ khả năng đóng mới tàu tên lửa hiện đại, thay vì phải mua của nước ngoài với chi phí cao và không chủ động được như trước đây.
Ít ai biết 10 năm trước, từ tháng 6-2004, Ba Son đã cử 14 kỹ thuật viên đi nước ngoài nhận chuyển giao công nghệ. Cho đến tháng 9-2007, hơn 500 kỹ thuật viên của Ba Son đã hoàn thành khóa học tập, tiếp thu công nghệ đóng tàu quân sự theo 33 chuyên ngành khác nhau. Trở về nước, họ đào tạo lại cho những người thợ Ba Son, thay vì tiếp tục thuê chuyên gia.
Di chuyển hệ thống tên lửa chống hạm Uran-E vào bệ phóng - Ảnh: Tổng công ty Ba Son cung cấp |
Tháng 10-2009. Chiếc tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya đầu tiên do VN tự đóng mới được khởi công. Khi được giao nhiệm vụ thi công phần thân vỏ tàu tên lửa đầu tiên, công nhân của Xí nghiệp vỏ tàu (thuộc Tổng công ty Ba Son) đã căng mình chạy đua với thời gian.
“Yêu cầu hoàn thành vỏ tàu tên lửa trong thời gian nhanh nhất: không quá một năm. Nhưng chúng tôi chưa hình dung khối lượng công việc vì chưa đóng loại tàu này trong khi lại đòi hỏi rất phức tạp về kỹ thuật” - đại tá Thái Văn Chân, giám đốc Xí nghiệp vỏ tàu, cho biết.
Thử thách lớn nhất là phần thi công một số hệ thống ống kỹ thuật và hệ thống ống khí xả của động cơ làm bằng vật liệu titan. Đây là khâu khó nhất trong công nghệ thi công phần thân vỏ vì tất cả nhà máy đóng tàu VN chưa nơi nào thực hiện công nghệ thi công hợp kim titan. Những kỹ xảo, bí quyết trong công nghệ hàn titan là bí mật quốc gia.
Những người thợ của Xí nghiệp vỏ tàu ở Ba Son chỉ được nhìn thấy bạn làm khi sang nước ngoài tiếp thu chuyển giao công nghệ. Về nước, họ làm theo... trí nhớ rồi tư duy cùng với những kinh nghiệm đã có được ở một nơi trên 80 năm đóng tàu.
Sau những ngày tháng tập trung tâm huyết và sức lực tìm tòi, những kỹ sư và công nhân Xí nghiệp vỏ tàu đã tìm được “bí mật” trong gia công hợp kim titan và đặc biệt là công nghệ hàn hợp kim titan, hoàn toàn đều do bàn tay, khối óc con người VN mà không có sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài.
Đi qua những bỡ ngỡ ban đầu khi thực hiện đóng chiếc tàu tên lửa đầu tiên, đội ngũ kỹ sư, công nhân Xí nghiệp vỏ tàu của Ba Son đã rút ngắn được tiến độ khi thi công các tàu còn lại trong loạt tàu tên lửa. Thi công phần thân vỏ cặp tàu thứ hai (tàu số 3, số 4) đều vượt thời gian. Đặc biệt, bộ phận thi công thân vỏ và cabin nhôm thượng tầng vượt thời gian 20%.
Thời gian Ba Son đóng cặp tàu tên lửa đầu tiên đã được rút ngắn nhiều so với quốc gia đã “sản sinh” ra nó. Bước đột phá về thời gian này là nhờ sáng kiến của “tổng công trình sư” dự án đóng tàu tên lửa Molniya - đại tá Nguyễn Mạnh Lân, phó tổng giám đốc Tổng công ty Ba Son.
Sau khi đóng tàu thứ nhất sáu tháng, đại tá Lân đã đề xuất đóng luôn chiếc thứ hai để tiết kiệm thời gian, tranh thủ tận dụng được cả đội ngũ hùng hậu các chuyên gia đang làm việc cho tàu thứ nhất, vừa đảm bảo sự hỗ trợ cho nhau trong nghiệm thu sau này (không phải thêm một lần điều các lực lượng trên không, trên biển, dưới đất rất tốn kém về tiền bạc và công sức chuẩn bị).
Thực tế, tiến độ đóng tàu tên lửa thứ hai đã được rút ngắn kịp bằng tàu đầu tiên. Đó là nỗ lực của mấy trăm con người coi xưởng là nhà, ngày đêm nỗ lực làm việc để kịp tiến độ.
Đại tá Đỗ Đức Vượng kể có giai đoạn suốt ba tháng anh em kỹ sư, công nhân làm tăng ca tới 23g. Đến giai đoạn hiệu chỉnh đồng bộ tích hợp vũ khí có bộ phận làm trắng đêm.
Có những giai đoạn nước rút (khi thi công thân vỏ và cabin nhôm thượng tầng), lực lượng kỹ sư, công nhân mỗi ngày làm thêm 2-3 tiếng đồng hồ, thậm chí có ngày họ rời xưởng lúc 2-3g sáng. Vẫn chẳng một lời phàn nàn, dù suốt thời gian đóng tàu tên lửa những người thợ Ba Son phải dậy sớm, di chuyển rất xa mỗi ngày.
Tháng 4-2014, hai tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya đầu tiên do người VN đóng mới đã “chào đời”.
Từ thành công của cặp tàu thứ nhất, hiện nay cặp tàu thứ hai, cặp tàu thứ ba được Tổng công ty Ba Son tiếp tục triển khai.
Cặp tàu thứ hai đang trong giai đoạn tích hợp vũ khí, hoàn thiện, dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao đầu năm 2015. Cặp tàu thứ ba đang trong giai đoạn đóng, lắp ráp các tổng đoạn.
Trang bị vũ khí hiện đại Tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya có bốn nhiệm vụ: tiêu diệt các đội (nhóm) tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các đội tàu khác của đối phương một cách độc lập; bảo vệ các tàu ngầm, tàu đổ bộ của ta; thực hiện nhiệm vụ trinh sát, nhận biết các tình huống trên không và trên biển... Nhiều quốc gia rất muốn được sở hữu lớp tàu này bởi nó được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại như hệ thống tên lửa chống hạm cận âm Uran-E, tên lửa phòng không vác vai Igla, pháo hạm AK630 (pháo phòng không tầm gần, bắn nhanh), pháo hạm AK176 nhằm vào những mục tiêu đối hải... Cùng lúc đóng 2 tàu tên lửa Lần đầu tiên trong 88 năm kể từ ngày thành lập, Ba Son triển khai đóng mới một tàu chiến với yêu cầu rất cao về yếu tố hàm lượng kỹ thuật công nghệ, chất lượng trong khi thời gian lại gấp. Và cũng là lần đầu tiên ở Ba Son cũng như tại VN, cùng lúc đóng hai tàu tên lửa (đóng tàu đôi). Trong năm đầu, những người thợ ở Xí nghiệp vũ khí điện tử phải bổ sung hơn 50% quân số, vừa đào tạo vừa học vừa làm. “Việc thi công cả một khối lượng rất lớn gồm nhiều hệ thống vũ khí trang thiết bị hiện đại như tàu tên lửa Molniya là một thử thách và rất áp lực - đại tá Đỗ Đức Vượng cho biết - Trong khi tàu chiến khác chỉ có một hệ thống rađa bắn pháo thì tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya có rất nhiều hệ thống rađa. Mật độ thiết bị trên tàu rất cao. Chỉ riêng hệ thống cáp kéo cho cả tàu đã lên tới 80.000m! Nếu đưa ra một con số để so sánh, thì mật độ hệ thống vũ khí, khí tài của tàu pháo chỉ gần bằng 20% so với một tàu tên lửa lớp Molniya”. Lần đầu tiên đóng mới tàu tên lửa. Không có những người đi trước chỉ đường. Trong khi đó, vũ khí, khí tài là bộ phận cực kỳ quan trọng trên một tàu chiến. Những người thợ ở Xí nghiệp vũ khí điện tử phải mày mò tự học là chính rồi cử những kỹ sư có kinh nghiệm truyền đạt cho nhau. Anh em cứ vừa học vừa làm. Chỉ riêng việc tự làm, không thuê chuyên gia nước ngoài đã tiết kiệm được 70 tỉ đồng. |
ĐIỂM DANH VŨ KHÍ SIÊU HIỆN ĐẠI CỦA QUÂN ĐỘI VIỆT NAM