Đó là chia sẻ của thầy Hồ Văn Luyến - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu, huyện Châu Thành A, Hậu Giang.
Theo thầy Hồ Văn Luyến, vừa qua, một số cơ quan thông tin đại chúng có phản ánh tình trạng nhà trường kết hợp cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu một số khoản tiền ngoài quy định. Từ bức xúc ở một số trường hợp “lạm thu” này, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay cần phải xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường phổ thông.
Trước thông tin này, những người làm giáo dục cảm thấy buồn và mong rằng xã hội cần phải có cái nhìn khách quan, toàn diện để đánh giá đúng bản chất của vấn đề. Không phải vì tình trạng “lạm thu” trong một số trường học mà đổ hết tội cho Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Theo tôi, một số trường học kết hợp cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh để “lạm thu” là sai. Tuy nhiên, nếu dư luận xã hội lấy một số vi phạm ở các trường này rồi quy cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lập ra chỉ để thu tiền cho nhà trường thì không đúng.
Đối với những người làm giáo dục, tất cả thế hệ học sinh, ai đã từng đến trường thì không thể không nhớ những hình ảnh thân thuộc của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đó là những giờ sinh hoạt về truyền thống, đạo đức, những hoạt động hỗ trợ nhà trường trong giáo dục học sinh, vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, vận động xã hội hóa giúp đỡ học sinh, giáo viên hoàn cảnh khó khăn…
Ban đại diện cha mẹ học sinh góp công, góp sức trong công tác bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.
Ở trường của chúng tôi, Ban đại diện cha mẹ học sinh tất cả đều tham gia với tinh thần vô tư, họ là những người có nguyện vọng cống hiến và không có quyền lợi gì. Mỗi khi có học sinh chưa ngoan, Ban đại diện cha mẹ học sinh là người đầu tiên tiếp xúc với gia đình các em để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và cùng với nhà trường, gia đình đưa ra giải pháp, hỗ trợ, giúp đỡ…
Những người làm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh được người dân tín nhiệm và lựa chọn. Đó cũng là lợi thế trong kết nối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Đôi khi giáo viên tiếp xúc với gia đình học sinh thì họ còn e ngại. Nhưng Ban đại diện cha mẹ học sinh là người cùng địa phương, là hàng xóm láng giềng nên phụ huynh tiếp xúc cởi mở hơn.
Từ bao năm qua, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh ở nhiều trường học đã phát huy đúng vai trò chức năng của mình. Tất cả đều hướng đến mục tiêu vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục. Nếu nói tất cả Ban đại diện cha mẹ học sinh được lập ra chỉ để thu tiền cho nhà trường thì không đúng. Trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường là cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục tốt, không nên biến tướng Hội phụ huynh thành tổ chức để “lạm thu” trong nhà trường.
Trong giai đoạn hiện nay, rất cần duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh để cùng nhà trường, giáo viên chăm lo cho học sinh được tốt hơn. Họ là những người góp phần quan trọng kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh. Nếu không có sự kết nối này thì việc quản lý, giáo dục học sinh sẽ giảm đi hiệu quả rất nhiều. Ban sẽ “đứng mũi chịu sào” trong mọi hoạt động tương tác giữa phụ huynh và nhà trường, cuối cùng người hưởng lợi trong việc này là con em chúng ta… Khi thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, ban đại diện hội phụ huynh cũng sẽ là sợi dây gắn kết và là cầu nối giữa các phụ huynh học sinh khác trong lớp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và nhà trường.