(GD&TĐ) - Ngày mai, 3/11, Đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam sẽ chính thức bước vào trận đấu đầu tiên trong hành trình tìm vàng được cho là khá khó khăn tại sân chơi Seagame 26 với đội tuyển U23 Phillpines.
HLV Falko Goetz đang tìm phương án thay thế cầu thủ bị chấn thương |
Với tất cả những gì chuẩn bị cho trận đánh lớn này, người hâm mộ vẫn có một chút gì đó lấn cấn với đội tuyển U23, chưa thể đặt trọn niềm tin một cách chắc như đinh đóng cột, rằng đội tuyển thân yêu của mình sẽ gặt vàng, dù rất thầm mong điều đó.
Tại sao lại lấn cấn? Vì thông tin trước trận đấu, đội tuyển U23 Việt Nam có cái tin không vui là tiền đạo Đình Tùng bị chấn thương không thể ra sân trận mở màn. Trong khi đó, trung vệ rường cột của đội bóng là Long Giang cũng dính chấn thương, nếu có ra sân thì chắc chắn sẽ không phải với 100% phong độ.
Vẫn biết bóng đá là môn thể thao mang tính tập thể, song việc hai cầu thủ quan trọng, giàu kinh nghiệm của đội tuyển U23 bị chấn thương thực sự đã làm lung lay niềm tin của người hâm mộ vào kết quả có lợi với đối thủ Phillippines. Nếu như kể từ Seagames 24 về trước, đội bóng Phillippines chỉ là đội lót đường thì kể từ Seagame 25 họ đã lột xác với dàn cầu thủ nhập tịch có chất lượng và thương hiệu.
Năm nay, đội hình U23 Phillippines đến Seagames có tuổi đời trung bình rất trẻ. Trong đó phần lớn là những cầu thủ nhập tịch, bao gồm cả một số tuyển thủ quốc gia. Trong đó có thể kể đến đội trưởng của U23 Phillippines là Matthew Harmann: Đây là cầu thủ chạy cánh năm nay 22 tuổi. Anh được sinh ra ở Southampton, nước Anh và từng có mặt trong đội 1 của CLB Portsmouth tại giải Ngoại hạng mùa giải 2006-2007. Hay như bộ ba tiền vệ Simon Greatwich (CLB Hartwick College, Mỹ), Jason de Jong (CLB Dordrecht, hạng 2 Hà Lan) và Manny Ott (CLB FC Ingolstadt 04 II, Đức)…
Long Giang liên tục bị đau khi tập luyện |
Rõ ràng, nếu trận ra quân của U23 Việt Nam thiếu mất Long Giang, Đình Tùng thì sức mạnh khách quan mà nói cũng bị giảm đi ít nhiều. Tương quan lực lượng thật khó nói ai mạnh hơn ai song với dàn cầu thủ nhập tịch ồ ạt, U23 Phillipines là đội bóng không dễ bị đánh bại, thậm chí còn là đội tiềm ẩn sẽ gây nhiều bất ngờ lớn tại Seagames 26.
Trong thể thao, nhất là môn bóng đá, những chấn thương của Long Giang, Đình Tùng âu cũng là lẽ thường và cũng có thể nói là không may. Nhưng ngẫm lại quá trình tập trung, huấn luyện của U23 Việt Nam cảm thấy có cái gì đó hơi gấp gáp.
Nên nhớ HLV Falko Goetz là HLV xuất thân ở một nước có nền bóng đá thực sự chuyên nghiệp. Ngoài các yêu cầu về kỹ, chiến thuận, tư duy chiến thuật thì cầu thủ ở các nền bóng đá thực sự chuyên nghiệp luôn có ý thức giữ gìn sức khỏe và duy trì tập luyện thể lực thường xuyên. Vì dù nói thế nào bóng đá vẫn là một trong những môn thể thao ngốn nhiều sức lực nhất.
Do đó, làm bóng đá ở các nền bóng đá chuyên nghiệp, chuyện luyện tập duy trì thể lực là thường xuyên từ cấp câu lạc bộ. Còn ở ta thì sao? Xem các giải đấu của các câu lạc bộ trong nước và cả ở cấp đội tuyển quốc gia, phần lớn cầu thủ Việt đá bóng như công tử lãng du. Thể lực của họ luôn kém cạnh so với lứa cầu thủ trong khu vực vùng trũng về bóng đá Đông Nam Á.
Chính bởi thể lực có thể gọi là truyền thống có vấn đề như U23 Việt Nam nên đời HLV nào cũng chú ý đến luyện tập nâng cao thể lực cho các tuyển thủ. Nhưng nếu quỹ thời gian tập trung ngắn thì việc luyện tập với cường độ cao nhằm nâng cao thể lực luôn phải đối mặt với chấn thương là điều tất yếu xảy ra. Và việc những mắt xích yếu (từng bị chấn thương dài) như Long Giang bị tái chấn thương khi bất ngờ bị tăng lượng vận động trong thời gian ngắn là chuyện xảy ra không có gì khó hiểu.
Song các đội tuyển U23 và cả đội tuyển quốc gia khi muốn tập trung trong dài hạn cũng có cái khó là bởi vướng mắc lịch thì đấu của các câu lạc bộ. Cho nên cái gốc của vấn đề là nền bóng đá của ta chưa hẳn đã chuyên nghiệp như tên gọi, bởi cứ lên tuyển là thể lực của các cầu thủ lại nòi ra không đáp ứng được yêu cầu và HLV lại tức tốc, gấp gáp nâng cao thể lực cho các học trò mà đáng lý ra cái cơ bản ấy phải được huấn luyện hoàn chỉnh ở cấp câu lạc bộ. Nên tuyển thì đương nhiên vẫn phải duy trì nền tảng thể lực sung mãn ấy và HLV sẽ có nhiều thời gian để rèn kỹ, chiến thuận và tư duy chơi bóng mà thôi thì mới có thể thành công.
Thế mới biết, trong huấn luyện bóng đá ở ta, các ông thày ngoài việc huấn luyện kỹ, chiến thuật cho các cầu thủ còn cần phải có chiến thuật huấn luyện nữa thì mới hợp lý. Nâng cao thể lực là công việc phải có thời gian, vận động từ nhẹ đến nặng trong thời gian hợp lý. Chứ hùng hục vận động nặng ngay để nhồi thể lực thì chấn thương nhãn tiền.
Nhưng trong cái khó đôi khi lại ló cái khôn. Biết đâu những nhân tố mới phát hiện được tin tưởng xếp đội hình chính thức trận ra quân có khi lại làm nên bất ngờ và cá nhân họ lại tỏa sáng thì sao?
Lâm Bách