Theo chương trình này, cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách thành phố được hỗ trợ vay vốn ưu đãi nếu đáp ứng các điều kiện quy định.
Tại thời điểm vay tiền, người vay (gồm người đứng tên vay cùng vợ hoặc chồng) không đứng tên sở hữu về nhà ở, quyền sử dụng đất ở và bản thân cũng như vợ hoặc chồng chưa từng được Nhà nước giải quyết các chế độ chính sách về nhà ở, đất ở.
Trường hợp được Nhà nước giải quyết cho mua nhà ở xã hội thì vẫn được xem xét vay tiền tại Quỹ theo chủ trương của UBND TPHCM.
Người vay tiền phải có nơi thường trú tại TPHCM; có thời gian làm việc từ 3 năm liên tục trở lên. Thời gian công tác được tính bao gồm cả thời gian trước đó đã làm việc tại đơn vị cùng thuộc khu vực hưởng lương ngân sách thành phố.
Theo quy định, giáo viên muốn tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà từ Quỹ Phát triển Nhà ở TP thì phải có "nơi thường trú tại TPHCM". (Ảnh minh họa: Huy Lân) |
Người vay tiền phải có khả năng tài chính trả trước tiền mua nhà tối thiểu là 30% giá trị căn nhà/căn hộ và chứng minh nguồn thu nhập ổn định để trả vốn + lãi vay.
Mức cho vay tối đa hiện nay là 900.000.000 đồng/1 hồ sơ, nhưng không quá 70% giá trị căn nhà/căn hộ. Thời gian cho vay tối đa 20 năm; mức lãi suất cho vay 4,7%/năm, lãi vay được tính theo dư nợ giảm dần.
Tài sản thế chấp đảm bảo bằng chính căn nhà/căn hộ dự kiến mua có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Các đối tượng được hưởng ưu đãi trên là cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban ngành, quận, huyện, cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách TP; Lực lượng Vũ trang nhân dân thành phố; Cán bộ công đoàn chuyên trách, công chức, viên chức hưởng lương từ nguồn tài chính Công đoàn thuộc tổ chức Công đoàn TPHCM; Cán bộ, công chức và người lao động thuộc Cục Thuế TP...
Tuy nhiên, nhìn vào các quy định trên, có thể thấy vẫn có "rào cản" với đội ngũ giáo viên tại TPHCM có nhu cầu mua nhà ở. Bởi lẽ, theo quy định, giáo viên muốn tiếp cận nguồn vốn này thì phải có "nơi thường trú tại TPHCM".
Trên thực tế, từ 1/11/2017, TPHCM đã bãi bỏ văn bản liên quan đến hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức.
Theo quy định này, nhiều năm qua, ngành Giáo dục TPHCM đã tuyển dụng được rất nhiều giáo viên từ nhiều địa phương khác về công tác do không còn quy định điều kiện về hộ khẩu thường trú với công chức, viên chức. Từ đó, góp phần giải quyết được bài toán thiếu giáo viên tồn tại dai dẳng từ hàng chục năm qua.
"Tôi mong TPHCM xem xét bỏ điều kiện về nơi cư trú với người vay vốn buộc phải có hộ khẩu thường trú tại thành phố mà chỉ quy định là viên chức ngành Giáo dục thành phố là được xem xét vay vốn. Có như vậy, giáo viên từ địa phương khác công tác trong ngành Giáo dục của thành phố hiện chưa có nhà mới có tiếp cận được vốn ưu đãi, có nhà ở ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc", chị Nguyễn Thị Tố Linh, giáo viên một Trường Mầm non tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, chia sẻ.